Xung quanh câu chuyện “Vua lửa, gươm thần”

Cập nhật 17/7/2014, 14:07:28

Mới đây, huyện Phú Thiện đã tổ chức nghi lễ chuyển gươm thần và phát động bảo tồn các giá trị văn hóa tại di tích lịch sử – văn hóa Plei Ơi. Liên quan đến sự kiện này, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng về Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện để tìm hiểu câu chuyện về vua lửa, gươm thần và xem nghi lễ chuyển gươm thần về địa điểm mới…

 

Lễ rước gươm thần về nơi ở mới.

 

Theo lời các vua lửa, truyền thuyết kể rằng: Gươm thần do 2 anh em ruột là T'dia và T'diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ nay đã tắt). Nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước… đến khi một người chẳng may vấp té ngã trúng thanh gươm, máu tuôn chảy nhuộm kín thanh gươm thì nó mới chịu nguội… Tương truyền, các vị vua lửa dùng gươm thần để cầu mưa. Trải qua 14 đời vua lửa, gắn liền với biết bao câu chuyện huyền bí, sau ngày giải phóng, do người dân nhập cư ngày một đông, sợ gươm thần và các linh khí bị mất nên Pơ tao Siu Nhót đã cho dời gươm từ núi thiêng Chư Tao Yang về cất ở đầu làng nhưng vẫn tránh xa khu vực ô uế. Thanh gươm được bọc trong lớp vải trắng nằm bên cạnh là một số thanh gươm khác, vốn được xem như những người hầu của thần gươm. Do không có người kế vị, nên ông Rơ Lan Hieo, người phò tá theo giúp việc cho vua lửa đời thứ 14, vị vua lửa cuối cùng Siu Luynh được giao trọng trách thay mặt các Ptao Apui giữ gươm thần. Theo truyền thống các Ptao Apui chỉ mở gươm thần, đặc biệt là tấm vải trắng bọc gươm khi làm lễ trao gươm cho người được chọn kế vị vua lửa, do đó, sự kiện chuyển gươm thần về chân núi Chư Tao Yang, nơi nhà để gươm mới xây dựng và là nơi mà trước kia các đời vua lửa đã giấu gươm và thực hiện các nghi lễ cầu mưa đã thu hút rất đông cư dân trong vùng và người dân các vùng lân cận đến xem, vì đối với họ, từ trước đến nay chỉ được nghe kể về gươm thần chứ chưa tận mắt nhìn thấy…

Những thanh gươm được người dân nâng niu trân trọng. 

 

 

Nghi lễ chuyển gươm được thực hiện theo phong tục, tập quán của dân làng Plei Ơi và do các đời vua lửa truyền lại. Lễ vật cúng gồm 1 con trâu, 1 con heo có lông màu đen tuyền, 1 ghè rượu, 2 mét vải trắng, 1 chiếu cói và 1 chiếc gùi. Ông Rơ Lan Hieo, phụ tá của Ptao Apui thứ 14 là người tự tay rửa các đồ vật, sau đó lên chòi cất gươm thần mang ra một vỏ bọc bằng tấm vải màu trắng, nhẹ nhàng gỡ các thanh gươm ra lau chùi đem bọc cẩn thận lại trước khi mang đi cất giữ ở địa điểm mới. Trong nghi thức cúng thần linh và các Ptao Apui, ông Rơ Lan Hieo thông báo và xin phép các vua lửa cho chuyển gươm thần về địa điểm mới…

 

Trong bài cúng mà Ông Rơ Lan Hieo thực hiện có đoạn: Ơ thần Ptao, thần hàng ngàn, thần hàng vạn, mẹ ở thượng nguồn Sông Ba, cha ở thượng nguồn biển cả, hôm nay chúng tôi dâng lễ vật 1 con trâu, 1 con heo, ghè rượu để cầu xin và thông báo đến các thần linh, xin phép các Ptao Apui dân làng Plei Ơi chuyển gươm thần về chân núi Chư Tao Yang, mong các vị thần phù hộ và che chở cho dân làng được nhiều sức khỏe, cho mưa thuận, gió hòa và cho mùa màng tốt tươi…

 

Nơi ở mới của Gươm Thần.

Người dân tham gia lễ rước Gươm Thần về nơi ở mới.

 

Hòa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang, gươm thần đã được đưa về cất giữ tại địa điểm mới dưới chân núi Chư Tao Yang, thuộc di tích lịch sử – văn hóa Plei Ơi. Tất cả được tiến hành trong sự cẩn trọng và thành kính. Câu chuyện vua lửa, gươm thần nói lên khát vọng khắc chế thiên nhiên. Nhưng khả năng của con người có hạn, họ không làm nổi nên đành dựa vào tâm linh để an ủi mình, đó là cầu xin thần linh hãy tạo ra một thứ gì đó có thể, “hô phong, hoán vũ”, bắt thiên nhiên phục vụ con người, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống đủ đầy…/.                             

 

Song Nguyễn – Đoàn Bình


Lượt xem: 174

Trả lời