Xuất khẩu lao động ở Plei Ơi

Cập nhật 24/4/2019, 08:04:01

Nếu như trước đây nhiều người chỉ biết đến Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện nhờ truyền thuyết Vua Lửa đã trở thành huyền sử, thì nay chúng ta cũng sẽ được biết thêm một khía cạnh khác về ngôi làng này, đó là ngôi làng của những người đi xuất khẩu lao động.
Thật vậy, ở Plei Ơi bây giờ, cứ 8 nhà thì có 1 nhà có người đi làm ăn ở nước ngoài. Chính điều này cũng đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo của Plei Ơi.

Có lẽ có nằm mơ thì ba cha con anh Lương Văn Chàn cũng không nghĩ mình sẽ được ở trong một ngôi nhà khang trang, cao ráo như thế này, nếu như vợ anh không trúng tuyển đợt tuyển dụng lao động đi làm việc ở Ả – Rập – Xê – Út cách đây gần hai năm. Vợ anh Chàn cũng là người đầu tiên của Plei Ơi tham gia đi xuất khẩu lao động và có vốn tích lũy để gửi về cho gia đình. Với số tiền đó, anh Chàn không chỉ dựng lại mái nhà mà còn cho con cái ăn học đường hoàng.

 Anh Chàn nói:“Trước kia làm ruộng thì thu nhập không được vì mưa nắng thất thường, làm thì không đủ ăn. Giờ thì có chương trình hỗ trợ đi làm nước ngoài mình cũng để cho vợ đi làm kiếm ít tiền về làm cái nhà này, với lại nuôi con ăn học”.

Từ năm 2018 đến nay, khi huyện Phú Thiện có chủ trương cho phép các công ty tuyển dụng lao động đi nước ngoài làm việc tham gia tuyển dụng lao động tại địa phương, thì Plei Ơi đã có trên 20 người được đi xuất khẩu lao động, tất cả đều là phụ nữ tuổi dưới 40 tuổi, và chủ yếu là giúp việc nhà trong các gia đình giàu có tại Ả Rập Xê Út. Khi những người phụ nữ Jrai ở đây chấp nhận đi làm ăn xa để thực hiện giấc mơ đổi đời, thì đó cũng là lúc những người chồng thay vợ cáng đáng việc nhà và chăm sóc con cái.

Anh Rơh Mah Lam, Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Khi vợ tôi đi làm nước ngoài thì trách nhiệm của tôi là ở nhà chăm sóc cho con cái đi học đến nơi đến chốn và lo cho công việc trong gia đình để vợ đi làm được yên tâm hơn”

Thống kê của UBND xã Ayun Hạ cho biết, bình quân mỗi lao động tại Plei Ơi đi xuất khẩu lao động sẽ gửi về cho gia đình từ 10 đến 12 triệu đồng mỗi tháng. Đó là một con số đáng mơ ước với những gia đình nghèo nơi đây. Xuất khẩu lao động đã trở thành bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc sống của các hộ gia đình. Bên cạnh đó còn là sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của từng cá nhân sau mỗi chuyến làm việc tại nước ngoài.

Ông Rmah Thuyn, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Đi trong hai năm về thì cái sự thay đổi thứ nhất là trong chính bản thân người ta, tiếp theo nữa là thay đổi về nếp nghĩ, cách làm. Họ dám nghĩ dám làm, thì mới đi đến một nơi rất xa., người ta có tâm huyết, động lực để phấn đấu và để trở thành một người có ích.”

Đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình xuất khẩu lao động đối với người dân xã Ayun Hạ nói chung, Plei Ơi nói riêng là một trong những con đường thoát nghèo của các gia đình. Có thể có những vấn đề nảy sinh từ chuyện đi làm ăn xa, nhưng không ai phủ nhận thứ mang lại cho đời sống của các gia đình là nền tảng kinh tế và cơ hội tiếp cận điều kiện sống ở các nước phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại đây./.

Quốc Linh, Mạnh Hà


Lượt xem: 39

Trả lời