Xóa nhà dột nát từ các nguồn lực xã hội – Điểm nhấn thực hiện chính sách an sinh xã hội – Kỳ 1: Tiếp sức cho người dân thoát nghèo

Cập nhật 11/9/2020, 08:09:00

Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ luôn được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cấp, ngành quan tâm thực hiện; nhất là các chính sách đối với gia đình chính sách, hộ nghèo. Trong đó, việc huy động các nguồn lực xã hội để xóa nhà dột nát được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng. Đây được xem là một trong những điểm nhấn rất ấn tượng về thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong nhiệm kỳ qua. Mời quý độc giả theo dõi kỳ 1 của sêri phóng sự: “Xóa nhà dột nát từ các nguồn lực xã hội – Điểm nhấn thực hiện chính sách an sinh xã hội” với tiêu đề: Tiếp sức cho người dân thoát nghèo.

Không dấu được sự vui mừng, phấn khởi khi ngôi nhà cũ rộng chỉ khoảng 10 m2, dựng tạm bợ được thay thế bằng một ngôi nhà sàn kiên cố rộng trên 40 m2, chị Đinh Thị Diên cho biết: Đây là niềm mơ ước của 2 vợ chồng suốt bao năm qua. Hiện gia đình cũng đang chờ cúng theo phong tục địa phương để dọn về ở.

Chị Đinh Thị Diên, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ nói: “Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 4 năm và có 2 đứa con song không có tiền để làm nhà. Nay được các cấp quan tâm làm cho ngôi nhà mới gia đình vui mừng lắm, tôi xin cảm ơn. Từ nay gia đình tôi sẽ tập trung làm ăn để không sớm thoát nghèo”.

Bà Đinh Thị Rươn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ya Hội, huyện Đak Pơ cho biết: “Trong nhiệm kỳ qua thì Mặt trận xã Ya Hội từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn kinh phí vận động từ các nhà từ thiện của xã hội thì cũng đã tập trung xoá nhà tạm bợ cho hộ nghèo. Đến nay thì còn 31 căn thì chúng tôi cũng tiếp tục vận động các nhà hảo tâm cùng với nguồn Quỹ “Vì người nghèo” để hoàn thành xóa nhà trong năm 2020”.

Theo thống kê, trong từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành đã huy động, vận động các nguồn lực trong xã hội được gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 3.300 nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo. Trong đó, riêng Quỹ “Vì người nghèo” và kinh phí vận động của doanh nghiệp, cộng đồng là gần 60 tỷ. Những ngôi nhà ở kiên cố đã tiếp sức cho người dân thoát nghèo.

Anh Đinh Thôi, xã Lơ Ku, huyện Kbang bày tỏ: “Cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình có căn nhà mới, bây giờ tôi thấy rất vui. Sau này cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế”.

Anh Nguyễn Văn Thắng, Thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang cũng cho biết: “Trước đây nhà tôi ở dưới kia nắng thì nó nóng mà mưa thì nó dột. Từ khi các cấp quan tâm hỗ trợ xây cho nhà tôi được ngôi nhà thì bây giờ thì yên tâm về chỗ ở và không phải lo nghĩ về nhà cửa nữa. Bây giờ thì đã ổn định chỉ lo làm ăn, sản xuất”.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước thì chính sự chung tay của cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo. Giúp hộ dân vươn lên thoát nghèo và đẩy nhanh quá trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Nếu như đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 toàn tỉnh còn 19,17% hộ nghèo thì đến cuối năm 2020 sẽ giảm xuống dưới 4,5%.

Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai trao đổi: “Trong 5 năm qua, thông qua nguồn Quỹ “Vì người nghèo” thì các cấp mặt trận trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới 642 ngôi nhà Đại đoàn kết và sửa chữa 226 ngôi nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng. Phải nói rằng chính từ sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm mà chúng tôi có nguồn Quỹ để phân bổ cho các địa phương triển khai xóa nhà tạm bợ, dột nát cho các hộ nghèo. Và từ đó, giúp cho hộ nghèo yên tâm hơn trong cuộc sống và chăm lo làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Việc huy động các nguồn lực xã hội để xóa nhà tạm cho các hộ nghèo cho thấy sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, truyền thống, đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam; giúp cho các hộ nghèo an cư lạc nghiệp và giúp cho các địa phương hoàn thành được tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 37

Trả lời