Xây dựng thương hiệu “Mắc ca Kbang-Gia Lai”: Nâng cao giá trị cho sản phẩm

Cập nhật 14/10/2023, 07:10:03

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Kbang khá phù hợp cho cây mắc ca sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Chính vì vậy, mắc ca đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhằm khẳng định danh tiếng, chất lượng và giá trị sản phẩm của địa phương, huyện Kbang đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” qua đó góp phần thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, gia tăng thu nhập cho người trồng.

Huyện Kbang có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh với hơn 2.800 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong, Krong, Đak Smar và thị trấn Kbang. Trong đó, nhiều diện tích được người dân trồng xen nhằm tận dụng diện tích để trồng cây khác, theo cách “lấy ngắn nuôi dài”. Cây mắc ca dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao và tốn ít công chăm sóc.

Anh Nguyễn Đình Chi – Xã Đak Smar, huyện Kbang cho biết: “Tổng diện tích ở đây là 25 ha, trong quá trình ban đầu, đầu tiên có Hiệp hội mắc ca Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn về cách chọn giống, cách trồng trọt theo quy trình của Hiệp hội. Qua 4 năm thì cây mắc ca cũng phù hợp với khi hậu ở tại địa phương thứ nhất là công chăm sóc cũng tương đối nhẹ hơn so với các cây trồng khác, thứ 2 về độ che phủ về rừng, tốt hơn các loại cây khác, độ lâu năm cũng tầm 50 năm cho nên độ che phủ rất tốt cho khí hậu ở đây.”

Trên địa bàn huyện Kbang hiện có khoảng 20 cơ sở chế biến hạt mắc ca quy mô hộ gia đình. Không chỉ quả tươi mà các sản phẩm chế biến từ mắc ca khá đa dạng, gồm hạt mắc ca sấy khô, sữa mắc ca, tinh dầu mắc ca, nhân mắc ca ngào mật ong,…Trong đó, địa phương có 3 sản phẩm mắc ca đạt chứng nhận OCOP và đã xây dựng chuỗi liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

Chị Võ Thị Liên – Chủ cơ sở Mắc ca sấy Bảo An, Tổ dân phố 8, thị trấn Kbang, huyện Kbang nói: “Hằng năm tôi có ký hợp đồng với các hộ dân, thu mua cho các hộ dân đảm bảo đầu ra ổn định. Tôi làm năm nay cũng đã 10 năm, liên kết với các hộ dân thu mua. Năm đây tôi mua vào 10 tấn, tôi còn mua cho những cơ sở khác nữa, tại cơ sở tôi làm lâu rồi nên dân cũng tin tưởng, khi ký kết là mua từ đầu đến cuối, không bỏ vườn giữa chừng.”

Nhằm đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu mắc ca bền vững, huyện Kbang có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân như hướng dẫn trồng, thu hoạch theo quy chuẩn,… Đồng thời, huyện đã xây dựng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Mắc Ca Kbang – Gia Lai”. Việc hoàn thành xây dựng bảo hộ nhãn hiệu nhằm đảm bảo chất lượng, duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mắc ca của địa phương.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Trường phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kbang cho biết: “Phòng Kinh tế hạ tầng quản lý nhãn hiệu Mắc ca, đối với những hộ dân trồng, sản xuất chế biến quảng bá sản phẩm mắc ca nằm trên địa bàn huyện Kbang trong vùng được bảo hộ chứng nhận sản phẩm thì được sử dụng sản phẩm này. Mục tiêu nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đến với người dân, người tiêu dùng.”

Với hiệu quả của việc trồng cây mắc ca, huyện Kbang định hướng đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích lên hơn 3.000 ha. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu, từ đó quảng bá các sản phẩm OCOP, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca và các loại nông sản khác của địa phương.

Thúy Diện – Duy Linh


Lượt xem: 15

Trả lời