Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận – Nâng cao giá trị và thương hiệu “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai”

Cập nhật 24/11/2023, 16:11:11

Là giống heo bản địa rất được người dân địa phương ưa chuộng vì chất lượng thịt ngon và sạch nhưng trước đây, việc phát triển heo broong – giống heo được huyện Đức Cơ xem là “đặc sản” vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Do đó, thời gian gần đây, huyện Đức Cơ đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt, trong năm 2023, địa phương đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai” và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp Quyết định chứng nhận đơn đăng ký bảo hộ. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc duy trì, phát triển danh tiếng và nâng cao giá trị cho sản phẩm “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai”, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ổn định.

Theo ngành NN&PTNT huyện Đức Cơ, heo Broong là giống heo thuần được nuôi hầu hết ở các xã, thị trấn của huyện và phổ biến ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Đức Cơ có nhiều tiềm năng để phát triển vùng chăn nuôi heo Broong vì điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, mật độ chăn nuôi của huyện còn rất thấp nên dư địa để phát triển chăn nuôi là rất lớn. Tiềm năng, lợi thế là vậy, song nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế từ giống heo này vẫn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Tư – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đức Cơ cho biết: “Theo tiếng gọi của người Jrai, broong có nghĩa là trên cơ thể con lợn này có những sọc vàng, sọc nâu. Có những thôn làng khác người ta gọi là lợn sóc vì hình thù giống con sóc. Giống lợn này người DTTS thường dùng trong các lễ hội, cúng tế linh thiêng nên nó rất cần thiết. Từ năm 2018 chúng tôi thấy giống lợn này càng ngày càng mất đi nên đã tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ bảo tồn nguồn gen.”

Nhờ sự vào cuộc kịp thời đó, đến nay, số lượng đàn heo broong trên địa bàn huyện Đức Cơ đã phát triển đáng kể với khoảng 3 nghìn con heo nái và gần 800 hộ chăn nuôi. Từ chỗ chỉ các hộ đồng bào DTTS nuôi theo hình thức chăn thả tự do, đến nay, việc nuôi heo Broong đã được nhân rộng, phát triển đến các hộ chuyên chăn nuôi heo với kỹ thuật chuyên nghiệp hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoài – Làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ chia sẻ: “Gia đình cũng nuôi khá lâu rồi. Năm 2020, huyện có dự án hỗ trợ thêm chuồng trại thì mình cũng nhân giống thêm. Hiện nay có 7 con cái, 1 con đực. Mỗi 1 lứa cũng được 40 -50 con. Độ 3 tháng thì xuất chuồng. Đa số là cháy hàng, nói chung là heo mình nuôi cũng sạch sẽ, không tăng trọng gì nên cháy hàng thường xuyên.”

Cũng thường xuyên cháy hàng, không có đủ heo broong để bán, ông Đoàn Ngọc Luyện ở thôn Đức Hưng, xã Ia Nan đánh giá đây là giống heo có thể giúp giảm nghèo cho người dân địa phương bởi khả năng sinh sản tốt, sức sống cao, việc chăm sóc không quá cầu kỳ, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương và đặc biệt là nhu cầu của thị trường rất lớn, giá bán trên thị trường lại cao hơn heo trắng thông thường.

Ông Đoàn Ngọc Luyện – Thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ nói: “Năm vừa rồi được 5 con mẹ đấy, 1 năm đẻ 2 lứa thì được 100 con. Bán cứ 1 triệu 1 con. Cái giống này cứ đầu tư cho gia đình nghèo người ta nuôi rất là tốt vì chi phí rất thấp. Nó chỉ ăn rau cỏ, hoa quả bỏ đi. Mình phải áp dụng KHKT, chăn nuôi phải có chuồng trại ất giáp, rửa ráy sạch sẽ. Khi đẻ phải cho mẹ lên chuồng, đẻ xong 1 tháng thì tách mẹ xuống, con phải chăm sóc như trẻ con, nếu cứ thả rông thì sẽ chết hết.”

Mặc dù đã bước đầu gìn giữ và nhân rộng được, tuy nhiên với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, việc phát triển heo broong tại huyện Đức Cơ theo hướng hàng hoá, đặc sản như kỳ vọng thì vẫn còn một chặng đường dài. Để từng bước hiện thực hoá mục tiêu đó, huyện Đức Cơ đã hỗ trợ thành lập 1 HTX chuyên thu mua, cung cấp giống heo này ra thị trường cũng như chế biến thành các sản phẩm đặc sản khác như heo broong một nắng. Đặc biệt, việc quyết tâm xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai” được xác định là bước đi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Tư – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ trao đổi: “Quá trình xây dựng thương hiệu sắp hoàn thành rồi nhưng tiếng tăm của giống lợn này đã được vang xa rồi, một số địa phương đã đặt hàng. Trong thời gian tới, nếu như được cấp nhãn hiệu này chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình nhân rộng nó ra và theo hướng chăn nuôi an toàn, hiện nay chúng tôi đang thực hiện theo hướng VietGap và sản phẩm của nó sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế trong người đồng bào DTTS, giúp họ thay đổi nhận thức chăn nuôi theo hướng an toàn.”

Bà Võ Thị Thuỳ Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Gia Lai cho biết: “Để phát huy giá trị nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai” thì các thành viên cần tuân thủ theo đúng 4 quy chế mà UBND huyện Đức Cơ đã ký kết. Ngoài ra, các hộ tham gia sản xuất, kinh doanh heo Broong này cần chú trọng xây dựng các trang thương mại điện tử cho các sản phẩm này để mình gia nhập vào thị trường, giúp cho nhãn hiệu chứng nhận Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai tới gần được hơn với người dân trong và ngoài tỉnh.”

Với định hướng phát triển rõ ràng, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai” sẽ tạo bước đệm vững chắc cho huyện Đức Cơ trong tiến trình xây dựng một thương hiệu nông sản sạch, mạnh của địa phương. Để rồi từ đó, hình ảnh và giá trị của sản phẩm heo Broong của huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai sẽ được định hình, quảng bá và ngày càng vươn xa trên thị trường.

Ngô Thanh – Ksor Tuối


Lượt xem: 19

Trả lời