Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

Cập nhật 27/6/2015, 15:06:14

Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội; góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi gìn giữ, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Thực tế cuộc sống cho thấy, nếp sống văn hoá trong mỗi gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách, lối sống và những định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi người. Vì thế giáo dục đạo đức trong gia đình luôn là câu chuyện nhiều ý nghĩa. Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), phóng sự sau sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về điều này.

 

 

Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Bùi Hoà và bà Trương Thị Hà ở tổ 11 (phường Diên Hồng, TP.Pleiku) hàng ngày chỉ có 2 vợ chồng vì các con đang công tác ở xa. Thế nhưng với 2 ông bà, niềm hạnh phúc lớn nhất đó là sự trưởng thành, thành công và hiếu thảo của 2 người con như ngày hôm nay. Hiện tại người con trai đầu là thạc sĩ cơ điện tử ứng dụng đang công tác tại Nhà máy Intel Việt Nam tại TPHCM, còn cô con gái út với tấm bằng tốt nghiệp dược sĩ đại học loại xuất sắc cũng đang công tác tại một Công ty dược của Hàn Quốc tại TPHCM. Kết quả đó bắt nguồn từ chính sự giáo dục ở gia đình của ông bà ngay từ khi các con còn nhỏ.

 Ông  Hoà  chia sẻ: “ Tôi là CCB còn mẹ các cháu là giáo viên về hưu nên trong công tác chăm sóc và dạy dỗ các con đã lấy nền tảng đạo đức làm đầu. Hiện nay trong xã hội ta, tôi thấy đạo đức của các cháu suy đồi rất nhiều nên gia đình cố gắng giáo dục các cháu sống có nề nếp, học giỏi, chăm ngoan, hiếu thảo với bố mẹ. Đó là điều gia đình mong ước và đã tạo mọi điều kiện để giáo dục các cháu nên người như ngày hôm nay”.

 Còn với đôi vợ chồng Ông Trần Văn Bính Bà Nguyễn Thị Hồng Minh thì tuổi già của 2 ông bà hôm nay được chứng kiến sự thành đạt, ngoan hiền, lễ phép của con cháu là điều vô cùng hạnh phúc; và càng hạnh phúc hơn khi nề nếp của gia đình chính là nền tảng giáo dục đạo đức lối sống cho các thành viên trong gia đình từ con cái  đến cháu chắt. Có thể nói gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Nếu nhân cách của con người bao gồm 2 mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng; và giáo dục trong gia đình là môi trường đầu tiên, là nền móng để xây dựng đạo đức lối sống, xây dựng nhân cách cho mỗi người. “Bây giờ con gái đầu là đảng viên, con rể đầu là đảng viên, con trai là đảng viên, con dâu là đảng viên và tôi nữa. Tôi hay nói vui là nhà mình có thể thành lập 1 chi bộ. Điều đó tác động, ảnh hưởng đến các cháu, cho nên bây giờ cháu nội, cháu ngoại đều cố gắng học tập. Ở xa vậy chứ Chủ nhật nào cũng về thăm. Nói chung bây giờ ở nhà chỉ có 2 ông bà nhưng  Chủ nhật, thứ 7 là vui vẻ lắm” ông Bính nói.

 

 Ngày nay, thế hệ trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống đạo đức trong gia đình; chính vì vậy hình ảnh những người ông, người bà, người cha, người mẹ, người anh, người chị… sống mẫu mực, sống yêu thương, chuyên tâm dạy dỗ, giáo dục và định hướng đúng đắn cho con cái đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách sống và sự nghiệp tương lai của lớp trẻ. Ngày Gia đình Việt Nam, hãy thắp sáng tình yêu thương trong mỗi gia đình để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Đó cũng chính là cách xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp ./. 

 

Mỹ Tiến , Xuân Huy


Lượt xem: 88

Trả lời