Xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói

Cập nhật 12/2/2023, 14:02:38

để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, nhất là chú trọng xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đây được xem là “giấy thông hành”, là điều kiện quyết định để nông sản Gia Lai tiếp cận được thị trường của các nước, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu…

Mã số vùng trồng là cơ sở định danh cho một vùng sản xuất đảm bảo quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mã số cơ sở đóng gói là mã định danh được quy định cấp cho một cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Hiện nay hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ đều bắt buộc các sản phẩm nông nghiệp khi vào các thị trường này phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và các địa phương đẩy mạnh thực hiện xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thông qua việc quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân với HTX và doanh nghiệp.

Ông Lê Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Bắt đầu từ năm 2022 đến nay, Phòng NN & PTNT huyện đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của Sở Nông nghiệp đã tổ chức triển khai, kết nối làm mã số vùng trồng cho người dân để xuất khẩu/ Đến nay đã có trên dưới 20 mã số được xây dựng.  Triển khai trên 3 loại cây trồng là chanh dây, chuối, sầu riêng, tiếp đến sẽ xây dựng trên các loại cây ăn quả khác và hồ tiêu”.

Nhận thức về tầm quan trọng của mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trong hoạt động xuất khẩu nông sản đang dần được nâng lên. Nếu như hơn 1 năm trước, tại Gia Lai chỉ có một số doanh nghiệp lớn quan tâm và thực hiện hoạt động này thì đến nay, các HTX cũng đã bắt đầu vào cuộc và hàng chục mã số vùng trồng của sầu riêng, chanh dây, bưởi đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp và được phía đối tác công nhận.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX NN & DV Hùng Thơm, huyện Mang Yang cho biết: “HTX đã triển khai nhiều kế hoạch, kết hợp với doanh nghiệp bà con nông dân để lập nên quy trình đúng chuẩn theo yêu cầu của đối tác. Hiện tại, theo mô hình truy xuất nguồn gốc đúng chuẩn, đưa hệ thống của nông hộ vùng trồng đúng chuẩn, truy xuất vùng trồng từng nông hộ để tạo niềm tin cho khách hàng. Sau khi liên kết xây dựng mã vùng trồng ở nhiều nơi thì nguồn nguyên liệu tăng lên gấp đôi, nâng cao hiệu quả về kinh tế”.

 Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Mang Yang cho biết: “Trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng được các mã vùng trồng như HTX Hùng Thơm có được 7 mã vùng trồng, HTX Kon Chiêng có 2 mã vùng trồng, DOVECO cũng có mã vùng trồng…Mã vùng trồng tạo điều kiện để các HTX xuất sản phẩm ra nước ngoài, có nguồn gốc rõ ràng”.

Tính đến đầu tháng 02 năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai đã có 99 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 6 nghìn 700 ha được cấp cho các loại cây trồng gồm: chuối, chanh dây, ớt, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, sầu riêng…Cùng với đó, 22 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ… cũng đã được công nhận. Nhờ đó, việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện dễ dàng, đồng thời, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh có định hướng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, được kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối. Chúng ta sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính. Trong năm vừa qua, ngành Nông nghiệp tích cực thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với Bộ NN & PTNT, Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng, để sản phẩm của chúng ta có địa chỉ rõ ràng để vào các thị trường”.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, tỉnh Gia Lai phấn đấu thiết lập, xây dựng được khoảng 180 – 200 mã số vùng trồng và khoảng 40 – 50 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Đây được xem là tiền đề để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX trong việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ngọc Hà – Huy Toàn – Phi Long


Lượt xem: 6

Trả lời