Xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Gia Lai

Cập nhật 27/2/2022, 10:02:26

Xác định việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực của địa phương là một trong những giải pháp cần thiết để tăng sức cạnh tranh nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã có những chính sách hỗ trợ và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cho 4 sản phẩm đạt chất lượng và lâu đời. Từ đó, tạo tiền đề cho người dân đẩy mạnh phát triển tiềm năng của các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Chư Sê khá phù hợp cho cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển. Toàn huyện hiện có gần 2.250 ha; trong đó gần 2 ngàn ha đang trong giai đoạn kinh doanh với năng suất hằng năm gần 9 ngàn tấn/năm. Những năm gần đây, do bệnh chết nhanh, chết chậm nên diện tích hồ tiêu giảm xuống nhưng để hồ tiêu phát triển ổn định, bền vững, ngành chức năng đã hướng dẫn nông dân sử dụng các giống hồ tiêu sạch bệnh, sử dụng phân bón theo hướng cân bằng dinh dưỡng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, giúp dân thay đổi cách canh tác cũ,… nhằm đổi mới phương pháp trồng thành phương pháp hữu cơ bền vững đảm bảo chất lượng hạt tiêu thơm ngon, cay nồng, an toàn cho sản phẩm. Từ đó đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ‘Hồ tiêu Chư Sê’.

Chị Nguyễn Thị Tới – Xã Al Bá, huyện Chư Sê cho biết: “ Vườn cây hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế rất là cao. Còn mong muốn thì gia đình và các hộ dân trồng tiêu hữu cơ mong muốn chính quyền giúp đỡ tôi cũng như là người dân và người dân có giá cả ổn định. Đặc trưng hồ tiêu ở đây đất cay, nồng và thơm”.

Không chỉ cây hồ tiêu Chư Sê mà trong năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm gạo Ia Lâu, huyện Chư Prông. Việc xây dựng thành công thương hiệu gạo Ia Lâu tạo tiền đề để địa phương đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng cho thị trường. Hiện nay, diện tích gạo Ia Lâu có khoảng 555 ha, năng suất đạt từ 48-50 tấn/ha gieo trồng/vụ. Với năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân địa phương.

Phạm Vũ Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Sản phẩm gạo Ia Lâu khi ra thị trường thì nhiều người biết đến, đúng với đặc trưng của vùng đất Chư Prông. Đó là 1 tín hiệu rất là tích cực và rất ý nghĩa đối với địa phương chúng tôi và sản phẩm gạo Ia Lâu thì lâu nay được biết đến. Nay có giấy chứng nhận là cơ sở pháp lý rất là tốt đối với địa phương khi đưa một loại gạo đặc trưng của Tây Nguyên có nét riêng có của Chư Prông đây là ý nghĩa rất tốt.”

Cùng với việc bảo hộ thành công nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê, Gạo Ia Lâu thì trong năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã thực hiện hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm Phở Khô Gia Lai, rau Đak Pơ. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở đã hỗ trợ các các địa phương triển khai các giải pháp phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thu sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu quảng bá và triển khai các xúc tiến thương mại nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết:  “Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương, nhà bảo hộ các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP, là 1 trong những nhiệm vụ luôn được Sở chú trọng trong xu thế hội nhập. Qua công tác bảo hộ, tài sản, chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch năm 2016 đến năm 2030, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình ủy ban và các chính sách hỗ trợ cho 10 sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.”

 Việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực của địa phương trên thị trường. Qua đó, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 7

Trả lời