Xã Ia Tôr, huyện Chư Prông huy động nhiều nguồn lực nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

Cập nhật 22/4/2021, 08:04:03

Giảm tỉ lệ hộ nghèo và không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống, vật chất tinh thần của người dân. Đây là một trong những tiêu chí và cũng là đích đến quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh. Để dần hiện thực hóa các tiêu chí quan trọng này, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, thực hiện việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ghi nhận tại xã Ia Tôr, huyện biên giới Chư Prông

Vợ bị bệnh và mất khả năng lao động nhiều năm nay nên gia đình ông Siu Blem hiện là 1 trong những hộ nghèo ở làng Blu, xã Ia Tôr. Thời gian qua, cùng với việc quan tâm thăm hỏi, động viên giúp đỡ gia đình ông về vật chất lẫn tinh thần, xã Ia Tôr còn vận động ông Blem chịu khó lao động để có tiền nuôi vợ con. Nhờ sự cần cù, chịu khó và tiết kiệm, mới đây, ông đã dành dùm được một ít tiền sửa sang lại căn nhà của gia đình thêm chắc chắn để không phải lo sợ mỗi khi mưa gió. Ngoài việc làm cà phê, lúa, ông dự định sẽ chăn nuôi thêm dê để có thêm thu nhập và phấn đấu cuối năm nay sẽ thoát nghèo.

 Ông Siu Blem – Làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông chia sẻ: “Nuôi cặp dê để phát triển cho gia đình, chăm sóc cho tốt, nuôi dê cho đẹp cho tốt để gia đình đời sống vật chất lên cao và thoát nghèo, gia đình, con cái vợ con mạnh khỏe, hạnh phúc”.

Đến cuối năm 2020, xã Ia Tôr còn 114 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm hơn 11% dân số của xã, trong đó 90% hộ nghèo là người DTTS. Để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, bên cạnh khai thác các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, xã Ia Tôr còn huy động các nguồn lực để trao cần câu cho những hộ nghèo, trong đó có việc hỗ trợ dê giống nhằm giúp các hộ có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, chăn nuôi dê không chỉ phù hợp với tập quán, khả năng chăn nuôi của các hộ người DTTS mà đây còn là 1 trong những biện pháp được xem là hiệu quả nhằm giúp các hộ sớm có thu nhập. Mô hình này đã và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực về nguồn dê giống từ các hộ chăn nuôi với quy mô lớn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Thi – Thôn 4, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông nói: “Tôi thấy vùng đây cây cối nhiều, thức ăn có sẵn nhiều, nuôi dê thì xóa đói giảm nghèo nhanh, 3 tháng thu, lời rồi chứ không như các loại con khác nên phát triển để các hộ làm kinh tế. Nếu người ta thành lập tổ, hội nuôi dê thì tôi sẽ ủng hộ dê giống, sau đó lấy lại dê giống, lời thì phần trăm trong đó. Kỹ thuật tôi cũng truyền đạt cho người ta và khi họ nuôi thì tôi sẽ theo dõi thường xuyên”.

Ông Nguyễn Văn Bình – Bí thư Đảng ủy xã Ia Tôr, huyện Chư Prông cho biết: “Địa phương rà soát các hộ nghèo có khả năng lao động và không có khả năng lao động, vận động các hộ chăn nuôi dê, hỗ trợ về giống để hỗ trợ bà con thoát nghèo, đặc biệt là hỗ trợ về giống không lấy tiền/  Địa phương chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể trước kia là 1 tuần 2 buổi giờ 1 tuần 4 buổi xuống từng hộ nghèo, hộ cận nghèo tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê, làm cành, tưới nước, đối với hộ không có cà phê hoặc ít cà phê thì vận động, hướng dẫn nuôi dê, làm chuồng trại, trồng cỏ, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời vận động các hộ có sức lao động, có tay nghề đi lao động trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh để xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông phấn đấu đến cuối năm nay sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 7%. Đây cũng chính là tiêu chí quan trọng để địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nhằm về đích nông thôn mới vào năm 2022 sắp tới./.

Thiên Thanh, Phi Long


Lượt xem: 46

Trả lời