Xã hội hóa xây sân bóng đá mini để thu hút học sinh đến trường

Cập nhật 03/3/2023, 07:03:26

Làm thế nào thu hút học sinh đến trường để trước hết là giữ vững và nâng cao tỉ lệ duy trì sĩ số, sau đó là từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vẫn luôn là câu hỏi khó đối với các trường học có đông học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng học sinh DTTS, nhất là các em nam thường xuyên vắng học để đi chơi hoặc phụ giúp bố mẹ khi vào mùa nương rẫy, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Kim Đồng, xã An Thành, huyện Đak Pơ đã tranh thủ sự ủng hộ của các mạnh thường quân để xây dựng một sân bóng đá mini nhằm tạo sân chơi, giúp các em tìm thấy niềm vui khi đến trường học tập.

Trước đây, tỉ lệ chuyên cần của Trường TH – THCS Kim Đồng, xã An Thành, huyện Đak Pơ chỉ đạt khoảng 80 đến 83%. Đa số học sinh vắng học là các em nam và có lực học dưới trung bình. Các em vắng học để phụ giúp bố mẹ thì ít, nhưng vắng học để đi chơi thì nhiều. Nhưng từ đầu học kỳ II đến nay, tỉ lệ chuyên cần của toàn trường đã đạt trên 90%, có thời điểm lên đến 94%.

Sân bóng đá mini cỏ nhân tạo này là một trong những động lực để các em nam thường xuyên đến trường học tập hơn. Những giờ ra chơi, không khí ở sân bóng này thường rất sôi động bởi những trận đấu giao lưu giữa các lớp với nhau.

Em Đinh Văn Tom – Lớp 8B, Trường TH – THCS Kim Đồng, xã An Thành, huyện Đak Pơ vui vẻ chia sẻ: “Từ khi nhà trường làm sân bóng này thì em thường xuyên đi học. Đi học có sân bóng mới để đá thì thấy vui nên em thường xuyên ra đây đá và đá cùng bạn bè”.

 Em Đinh Cuối – Lớp 8B, Trường TH – THCS Kim Đồng, xã An Thành, huyện Đak Pơ bày tỏ: “Trước chưa có sân bóng thì em đá bị xước tay xước chân. Có sân này rồi thì em đá với bạn rất là vui và đi học thường xuyên”.

Sân bóng đá được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu học kỳ II năm học 2022 – 2023 với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Điều đặc biệt là toàn bộ số tiền xây dựng sân bóng này được Ban Giám hiệu nhà trường vận động từ các nguồn xã hội hóa, chủ yếu là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân trong và ngoài huyện Đak Pơ. Có sân bóng là có thêm sân chơi. Đây là động lực giúp các em học sinh chuyên cần hơn trong quá trình học tập.

Thầy giáo Bùi Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường TH – THCS Kim Đồng, xã An Thành, Đak Pơ nói: “Đó là niềm vui chung của các em, của nhà trường và của địa phương nên đây là điều rất phấn khởi. Địa phương cũng đã ghi nhận và thực ra đây cũng là điểm nhấn để nhà trường chuyển dần từ công tác giáo dục từ một trường có chất lượng trung bình thì chúng tôi hy vọng với việc duy trì được sĩ số thì chúng tôi sẽ chuyển dần chất lượng giáo dục từ chỗ trung bình sang chất lượng khá”.

Những ngày này, các lớp học của Trường TH – THCS Kim Đồng đã đông hơn. Những học sinh nam thường xuyên vắng học cũng đã nâng dần mức độ chuyên cần của mình. Các thầy cô giáo đã không phải vất vả để đến nhà vận động các em ra lớp như trước đây nữa mà sẽ có thêm thời gian hơn cho công tác chuyên môn.

Thầy giáo Trương Công Hương – Giáo viên Tổng phụ trách đội, Trường TH – THCS Kim Đồng, xã An Thành, Đak Pơ cho biết: “Khi mà có thêm sân chơi mới thì các em rất phấn khởi đến trường. Bởi vì lứa tuổi các em là thích ra đây trước hết là phải có cái chơi trước đã, rồi từ đó mình mới vận động các em vào việc học tập. Nên là công tác vận động học sinh ở thời điểm hiện tại so với thời gian trước đây thì gặp rất nhiều thuận lợi, các em đi học chuyên cần hơn”

Tình trạng học sinh nói chung, học sinh DTTS nói riêng thường xuyên vắng học sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Khi các em thiếu kiến thức dễ dẫn đến các hành vi không đúng chuẩn mực, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Đây cũng là  bài toán nan giải ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để tạo thêm các sân chơi thiết thực, bổ ích cho học sinh trong quá trình  học tại trường được xem là một trong những giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh DTTS vắng học ở các trường học trên địa bàn tỉnh

Quốc Linh – Phi Long


Lượt xem: 22

Trả lời