Vụ dưa hấu đắng ở Krông Pa

Cập nhật 21/2/2022, 16:02:04

Những trái dưa hấu vừa được bà con nông dân trên địa bàn huyện Krông Pa thu hoạch; mỗi trái có trọng lượng dao động từ 2 đến 4kg. Nếu như cách đây 10 hôm thì giá dưa hấu được thu mua tại ruộng ở khoảng 7 nghìn đồng/1kg, tuy nhiên đến thời điểm này thì giá dưa đã tụt xuống còn khoảng 2,7 nghìn đồng đến 2,8 nghìn đồng/1kg. Với sự đầu tư rất lớn thì hầu như người trồng dưa trên địa bàn huyện Krông Pa đều thua lỗ. Và một vụ dưa hấu đắng đã hiển hiện ngay trước mắt.

Từ tỉnh Bình Định lên huyện Krông Pa, Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu. Mỗi ha dưa từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch, gia đình ông Lê Văn Lành đầu tư hết khoảng 180 triệu đồng. Và với giá thu mua hiện tại chưa đến 3.000 đồng/1kg; 1ha dưa cho năng suất trung bình đạt 44 tấn/1ha chỉ thu về khoảng 130 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình ông Lành lỗ từ 40 đến 60 triệu đồng/mỗi ha.

Ông Lê Văn Lành – Tỉnh Bình Định nói: “Nói chung là buồn nhưng mà bây giờ không biết làm gì hơn. Chấp nhận vậy thôi chứ giờ có buồn cũng vậy thôi”.

Giống dưa hấu được trồng trên địa bàn huyện Krông Pa chủ yếu là giống Hắc Mỹ Nhân. Do được trồng ở xứ nóng nên dưa có luôn có màu đỏ tươi, ngọt và thanh. Chính vì ưu điểm này nên cứ đến độ thu hoạch, thương lái từ khắp các nơi trong nước đổ dồn về Krông Pa để thu mua xuất qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay việc thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn do là xuất bằng đường tiểu ngạch nên dưa hấu tại Krông Pa chủ yếu được thu mua, vận chuyển bán ở thị trường nội địa với giá thành khá bấp bênh.

Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Hướng trong thời gian tới thì chắc chắn phải có một sự quản lý nhà nước để mà khuyến cáo về thị trường. Thứ hai nữa là áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí. Thứ ba nữa phải tính đến là người dân phải tham gia để mà truy xuất về mã vùng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì mới có uy tín đối với hàng hóa của mình”.

Ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm: Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022, huyện Krông Pa chỉ phát triển diện tích trồng dưa hấu ở 700ha; tuy nhiên theo thống kê sơ bộ, diện tích trồng đạt gần 1.000ha, thậm chí còn cao hơn. Đặc biệt, người trồng dưa tại huyện Kông Pa chủ yếu từ các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Kon Tum đến địa phương thuê đất để trồng. Do là phát triển tự phát, thiếu áp dụng các quy trình nghiêm ngặt trong khâu chăm sóc và phụ thuộc khá nhiều vào quá trình xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nên dưa hấu của người nông dân sản xuất ra luôn được thu mua với giá không ổn định; thậm chí thời gian tới giá thu mua dưa hấu dự báo vẫn tiếp tục giảm. Dẫu biết vậy, người trồng dưa tại Krông Pa nói riêng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung vẫn chấp nhận đánh cược với may rủi./.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 59

Trả lời