Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai triển khai công tác phối hợp liên ngành năm 2017

Cập nhật 16/2/2017, 08:02:09

Trong quý 1 năm nay tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc tồn của năm 2016 chuyển qua, nhất là các vụ án tồn đọng từ nhiều năm qua. Đây là một trong những nội dung trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp tỉnh và các ngành có liên quan trong năm 2017 được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức chiều nay (15/2). Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hồ Văn Niên- Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

Phát huy vai trò, chức năng của mỗi ngành, trong năm 2016, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp tỉnh và các ngành liên quan tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là tỉ lệ giải quyết tin báo đạt gần 92% (vượt 2% so với chỉ tiêu Quốc hội giao), góp phần kiềm chế, kéo giảm một số loại tội phạm so với năm trước, qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Văn Niên- Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phối hợp liên ngành trong năm 2016 giữa các cơ quan tư pháp tỉnh và các ngành có liên quan. Đồng chí Hồ Văn Niên chỉ đạo: Năm 2017, bên cạnh nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan tư pháp tỉnh và các ngành có liên quan cần nghiên cứu, tập huấn và tổ chức thực hiện các Bộ luật mới có hiệu lực thi hành trong năm 2016 và năm 2017 theo tinh thần Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực Tư pháp. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp của liên ngành: Công an-Viên Kiểm sát-Tòa án- Thi hành án dân sự- Bộ đội Biên phòng- Kiểm lâm- Thanh tra- Cục thuế- Chi cục quản lý thị trường- Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum về tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm va kiến nghị khởi tố; Nâng cao trách nhiệm trong việc điều tra, truy tố, xét xử nhằm hạn chế thấp nhất án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh tình trạng án trả hồ sơ không cần thiết dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, các ngành cần tiếp tục chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên, không để xảy ra tình trạng làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm, cũng như giải quyết đơn thư, tránh để xảy ra tình trạng đơn tồn đọng, kéo dài./.

Thiên Thanh, Đặng Trà


Lượt xem: 43

Trả lời