Vì sao nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ngưng hoạt động?

Cập nhật 21/3/2016, 10:03:06

   Rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng tiền tỷ tại nhiều địa phương trong tỉnh nhưng đã bị bỏ hoang hoặc hiệu quả sử dụng kém nên nhiều người người dân, chủ yếu ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

 

Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt đang trong tình trạng “đắp chiếu” 

Xã Đak Sông, huyện Kông Chro đã được đầu tư xây dựng 2 công trình cấp nước sinh hoạt quy mô lớn với kinh phí nhiều tỷ đồng gồm các hạng mục: Đập dâng ở đầu nguồn, hệ thống ống dẫn nước và các bể chứa nước tại 6 làng cung cấp nguồn nước cho người dân dùng để ăn uống, tắm giặt. Thế nhưng, đã nhiều năm nay 2 công trình này  bị bỏ hoang vì hư hỏng, chưa có kinh phí sửa chữa. Không còn cách nào khác, hằng ngày người dân trong xã phải đi bộ ra các sông, suối lấy nước về dùng, không chỉ tốn thời gian mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà con.

Ông Lê Hồng Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sông- Kông Chro- Gia Lai cho biết: “Nguồn nước ở các sông, suối bị nhiễm bởi các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Người dân lấy nước ở các sông, suối về để phục vụ nấu nướng, ăn uống biết rằng không hợp vệ sinh nhưng không còn cách nào khác vì công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa”.

      Cũng như ở xã Đak Sông, 24 bể để chứa nước ở 14 thôn, làng thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê không còn tác dụng vì nguồn nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt ở đầu nguồn dẫn xuống đã cạn kiệt do đại hạn hoành hành. Trước tình trạng người dân trong xã Ayun thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, huyện Chư Sê đã xuất kinh phí để mua các bồn chứa nước, chở nước từ nơi khác đến các bồn để phục vụ cho người dân ở đây. Nhưng nguồn nước chứa ở các bồn chỉ để phục vụ ăn uống, còn tắm giặt người dân phải ra sông, suối.

Ông Phạm Ngọc Thanh- Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Chư Sê- Gia Lai cho biết: “Cách đây mấy tháng rồi, các công trình cấp nước sinh hoạt trong xã đã ngưng hoạt động vì do hạn hán. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong xã”.

Hầu hết các thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gồm hệ thống nước tự chảy hoặc giếng đào. Nhiều công trình vốn đầu tư xây dựng 5 tỷ đồng, thấp nhất cũng hai, ba trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều công trình đang trong tình trạng “đắp chiếu” do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất do hạn hán đang hoành hành, mạch nước ngầm cạn kiệt. Nguyên nhân thứ 2 phổ biến hơn đó là do những yếu kém trong việc khảo sát chọn địa điểm xây dựng công trình và tắc trách trong thi công, quản lý, sử dụng công trình. Mỗi khi xảy ra hạn hán thì điều này bộc lộ rõ nét hơn. Vì công trình cấp nước sinh hoạt không còn tác dụng buộc người dân phải ra sông, suối tìm nước.

Chị Đinh Thị Pien- làng Kte, xã Đak Sông, huyện Kông Chro- Gia Lai cho biết: Hằng ngày dân làng  phải ra sông, suối gùi nước về để nấu nướng, ăn uống vất vả lắm! Mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt để bà con có nước phục vụ sinh hoạt.

      Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng giữa cơn đại hạn trong mùa khô năm nay đang hoành hành càng làm cho cuộc sống của nhiều người dân ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh vốn còn khó khăn giờ càng khó khăn hơn.

        Có công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng tiền tỷ cũng như không, gây lãng phí rất lớn về kinh phí đầu tư… Nguồn nước ở nhiều sông, suối giờ cũng đã cạn kiệt. Bởi vậy, nhiều người  phải đi mót, vét tìm nước… Đói nghèo, bệnh tật do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng là nguy cơ đang hiện hữu đối với nhiều người dân trong tỉnh./. 

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 65

Trả lời