Vệ sinh môi trường ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Cập nhật 01/7/2022, 10:07:14

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại Việt Nam và theo chu kỳ 3 đến 5 năm sẽ bùng phát thành dịch lớn. Đúng như cảnh báo, sốt xuất huyết hiện đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ bùng phát mạnh thành dịch lớn.
Vì vậy, để phòng, chống dịch bùng phát thì vệ sinh môi trường là một yếu tố rất quan trọng, mỗi gia đình, người dân nên chủ động phòng chống, phát hiện sớm các ổ lăng quăng, bọ gậy và thường xuyên vệ sinh trong nhà, môi trường xung quanh.

Cứ nước đọng là có lăng quăng, bọ gậy. Môi trường để muỗi sinh trưởng hầu như có ở mọi chỗ trong những gia đình mà các nhân viên y tế tới kiểm tra, thế nhưng rất nhiều hộ dân vẫn còn chủ quan, hầu như không để ý tới.

Anh Trần Quốc Huy, Thôn Thủy Phú, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Do mấy ngày vừa rồi mưa xuống nên không kịp làm, thật sự cũng không để ý lắm như ở các lốp xe thì chỉ đọng xíu nước thôi nhưng cũng là môi trường để muỗi sinh sống”…

Không chỉ riêng ở các điểm tập kết lốp xe cao su cũ, đi vòng quanh một số thôn, làng trên địa bàn huyện Chư Pưh thì cũng có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường môi trường bị ô nhiễm: khu vực vườn nhà thì kênh mương, rác thải, cây bụi um tùm không được vệ sinh, dọn dẹp; dưới chân nhà sàn, khu vực giếng nước có nhiều vũng nước đọng đục, bẩn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh trưởng phát triển mạnh, tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết.

Y sỹ Nguyễn Thanh Anh , Trưởng Trạm y tế xã Ia Le, huyện Chư Pưh , Gia Lai cho biết: “Một phần là do phong tục tập quán sinh sống của bà con, nuôi nhốt gia súc gần nhà; rồi cũng chưa có ý thức cao trong vấn đề làm vệ sinh môi trường. Hầu như là các gia đình còn chủ quan trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy. Khi nào có đợt, có chiến dịch mà địa phương, ngành chức năng phát động thì mọi người mới tiến hành, còn lại thì vẫn để nguyên.

Mà thực tế mà gia đình nào, khu vực nào môi trường ô nhiễm, nước đọng không được xử lý thì khả năng người mắc bệnh sốt xuất huyết rất cao, và nguyê cơ bùng phát thình ổ dịch cũng rất cao”.

Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Chư Pưh đã xuất hiện 7 ổ dịch trong cộng đồng; các ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 6 xã, thị trấn; trong đó thị trấn Nhơn Hòa và xã Ia Le chiếm hơn 70%. Thế nhưng, điều rất đáng lo ngại đó là việc vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng, khơi thông ao tù, nước đọng và dọn dẹp các dụng cụ có chứa nước mưa ngoài trời vẫn chưa được thực hiện tốt, nhiều gia đình còn chủ quan, lơ là…

Để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh, bùng phát thành dịch thì việc điều trị bệnh đúng cách cũng là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Theo ghi nhận, chỉ từ  đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh đã tiếp nhận hơn 10 ca sốt xuất huyết nhập viện. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân sau khi mắc bệnh tự ý mua thuốc về điều trị, khi bệnh không khỏi, chuyển biến nặng mới được người nhà đưa đến cơ sở y tế.

Chị Ksor H’Hăm, Làng Plei Hrãi Dong, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Ban đầu thì thấy nóng, đau đầu, sốt liên tục, mình cứ nghĩ là bị sốt thông thường nên mua uống thuốc ở nhà uống, nhưng 2 ngày không khỏi, mà bệnh nặng hơn nên  mới lên Trung tâm y tế để điều trị. Giờ mới biết là bị sốt xuất huyết”.

Bác sỹ Trần Thị Kiều Vân, Phó trưởng Khoa Nội – Nhi – Nhiễm, TTYT huyện Chư Pưh, Gia Lai  cho biết: “Có người họ biết vấn đề sức khỏe của họ rồi thì chỉ cần sốt là họ đi tới trung tâm liền. Có người bị nặng họ chủ quan sức khỏe, đến khi mệt, kiệt sức rồi họ mới nhập viện. Sốt xuất huyết việc điều trị rất đặc thù nên người bệnh tự mua thuốc rất khó khỏi bệnh mà còn tăng nguy truyền nhiễm bệnh cho người khác, nguyên hiểm hơn khi bệnh nặng điều trị không kịp thời thì gây những biến chứng mà ta không kiểm soát được”.

Ngành y tế đã đưa ra 3 yếu tố dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết: Thứ nhất là tác nhân gây bệnh virút sốt xuất huyết; thứ 2 là Véc – Tơ truyền, tức muỗi vằn; thứ 3 là khối cảm thụ, tức con người. Trong đó,  nếu chúng ta kiểm soát không thường xuyên, chặt chẽ đối với Véc -Tơ truyền bệnh, tức muỗi vằn thì nguy cơ bùng phát bệnh là rất cao.

   Hiện tại, ngành Y tế huyện Chư Pưh nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, phun diệt muỗi để phòng dịch. Tuy vậy, có thể nói ý thức của mỗi người dân vẫn là quan trọng nhất trong việc phòng bệnh; mỗi gia đình phải chủ động giám sát, phát hiện các ổ lăng quăng, bọ gậy và thường xuyên làm vệ sinh trong nhà, môi trường sống xung quanh để phòng bệnh.

 Kim Ngân,Thanh Sáng


Lượt xem: 12

Trả lời