Về Kon Thụp nghe tiếng đàn tính, hát then

Cập nhật 14/6/2023, 06:06:53

Nhiều bà con đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp vẫn không quên mang theo cây đàn tính cùng những điệu hát then để làm phong phú thêm đời sống văn hóa nơi vùng đất mới. Để rồi trong các ngày hội của xã, của huyện và của tỉnh, tiếng đàn tính, làn điệu then lại được ngân lên giao duyên cùng tiếng trống, nhịp chiêng rộn ràng của đồng bào Jrai, Bahnar bản địa…, tạo nên một không gian văn hoá rất độc đáo trên Tây Nguyên.

Ở xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, giữa không gian rừng núi, những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Tày, Nùng được dựng lên bên những vườn cà phê xanh tốt, như càng tô điểm thêm cho sắc màu văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc phía Bắc hiện diện trên vùng đất Tây Nguyên.

Xã Kon Thụp, nơi bà con đồng bào Tày, Nùng vào lập nghiệp, làm ăn, sinh sống nhiều nhất tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Vẫn khung cảnh làng quê thanh bình với đời sống lao động của những người nông dân bình dị. Điều đặc biệt, dưới mái nhà thôn quê luôn có sự hiện diện của cây đàn tính và những sắc màu văn hóa Tây Bắc, từ bộ trang phục truyền thống đến những mâm xôi nếp, chiếc bánh giò dẻo thơm và nhiều món ăn truyền thống…,  được các bà, các mẹ gìn giữ một cách nguyên vẹn.

Chị Ngân Thị Thanh – Xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai phấn khởi nói: “Trên quê hương mới tình gắn bó, đoàn kết càng mạnh hơn. Đồng bào Tày, Nùng đến hiện tại cũng lưu giữ được hát then, đàn tính; chị em đi làm về mệt mỏi thì cùng rủ nhau tập trung đàn, hát để xua tan cái mệt nhọc…”

Gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất Gia Lai, những ngày tháng đầu tiên xa quê, chị Ngân Thị Thanh luôn mang trong lòng nỗi nhớ quê hương da diết. Đây cũng  là lúc chị Thanh gửi hồn qua tiếng đàn tính, làn điệu then ngọt ngào, vì nó là tiếng lòng, âm hưởng của quê hương.

Trên vùng đất mới, những người con xa xứ đã tìm đến nhau, cùng nhau tụ họp; cùng nhau cất tiếng hát làm dịu đi nỗi nhớ quê nhà. Hôm nay, bà con đồng bào Tày, Nùng ở xã Kon Thụp đã cùng nhau thành lập một đội múa, hát then giới thiệu đến tất cả mọi người về nét đẹp một di sản nghệ thuật độc đáo của các dân tộc phía bắc trên vùng đất Tây Nguyên.

Chị Ngân Thị Thanh – Xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai chia sẻ: “Anh chị em nơi đây cũng muốn chuyển tải bản sắc văn hoá của mình đến mọi nơi để cho bà con đều biết và kết bạn với làng khác, huyện khác nữa…”

Như dòng sữa mẹ ngọt lành, nuôi dưỡng tâm hồn, tiếng đàn tính, lời then đã thấm đượm từ thưở ấu thơ và cứ thế lớn dần, lan tỏa đến những người con xa quê, gắn kết họ với nhau, để cùng nhau ra sức gìn giữ, phát huy cái hồn cốt của dân tộc

Thầm lặng và say mê, cùng với cộng đồng Tày, Nùng trong cả nước, bà con đồng bào Tày, Nùng ở xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cũng đã và đang tích cực ra sức bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Góp thêm âm hưởng tươi hồng trong dòng chảy văn hóa Tây Nguyên đa sắc màu.

Ông Hoàng Văn Soạn – Xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Đồng bào tôi đi đâu cũng mang theo bản sắc của mình như chuyển nhà thì trong rương bao giờ cũng có mấy cuộc vải chàm để làm áo, mạc trong ngày hội. Điệu múa của các dân tộc ở Tây Nguyên rồi Tày, Nùng ở ngoài Bắc thì hàng năm chúng tôi đều tổ chức để bà con giao lưu, xích lịch gần nhau hơn và hiều về văn hoá cùng nhau đoàn kết…”

Gia Lai thực sự đã trở thành quê hương thứ hai của cộng đồng các dân tộc Tày Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp; già, trẻ đến gái, trai đều gắng sức chung tay xây dựng vùng đất Gia Lai ngày càng phát triển, trù phú.

Cứ mỗi dịp Tây Nguyên, Gia Lai bước vào mùa lễ hội hoà hợp với văn hoá của cư dân Bahnar, Jrai bản địa là sự tái hiện sắc màu văn hoá của đồng bào Tày, Nùng với cây đàn Tính Tẩu cùng điệu múa trầu, nhảy sạp uyển chuyển… giúp ta cảm nhận rõ hơn về một Gia Lai tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Kim Ngân – Ksor Tuối


Lượt xem: 20

Trả lời