Văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế-xã hội ở các buôn, làng

Cập nhật 15/12/2020, 16:12:09

Gia Lai là tỉnh có 44 dân tộc cùng sinh sống làm ăn, có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với quan điểm xuyên suốt văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở buôn, làng. Thời gian qua, các địa phương ở tỉnh Gia Lai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn nền tảng văn hóa truyền thống.

Bên cạnh giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, văn hóa các tộc người ở Gia Lai đã để lại một kho tàng câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, sử thi, truyền thuyết, thần thoại, dân ca… cùng với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng dân gian. Trong đó, sử thi của người Bahnar ở 4 huyện phía đông và Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apuih, ở Plei Ơi đã được Bộ VH,TT&DL cấp bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2015… Đây vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng là cơ sở để các địa phương có sự quan tâm hơn trong công tác bảo tồn, gìn giữ cho đời sau…

Với quan điểm xuyên suốt văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, những năm qua, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và phương thức hoạt động, kết hợp thai thác và phát huy đặc trưng văn hóa vùng miền, đưa văn hóa các dân tộc trở thành một trong những yếu tố, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. 3 năm trở lại đây, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức phục dựng một số nghi lễ truyền thống đang có nguy cơ bị mai một như: Lễ cúng nhà rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng giọt nước…

Trong phương thức bảo tồn hiện nay, thực tế nhiều địa phương, ngành chức năng cũng đã sàng lọc, lựa chọn những vùng đất hay những ngôi làng vẫn mang dáng dấp, lưu dấu hình ảnh xưa, hay nói cách khác đó là những ngôi làng vẫn giữ được nét truyền thống, nơi đó họ biết trân trọng cái vốn liếng văn hóa quý báu mà cha ông đã để lại để thực hiện công tác phục dựng bảo tồn, từ đó, tạo tính lan tỏa, cộng hưởng…

Già làng Rơ Ô Bhum, buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa cho biết: “Hôm nay tổ chức phục dựng lễ cúng bến nước như thế này là đúng với truyền thống của người Jrai, bà con trong buôn rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm phục dựng lại nghi lễ này, vì cũng lâu rồi chưa có dịp tổ chức lớn như vậy”.

Anh Rơ Mah Che, làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ cho biết:Hôm nay, dân làng chúng tôi rất mừng vì được Đảng, Nhà nước quan tâm phục dựng lễ cúng này, tạo cơ hội cho con cháu thấy được giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại mà bảo tồn”.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “ Hiện nay, còn nhiều nghi lễ chúng tôi đã đưa vào kế hoạch để tổ chức phục dựng. Rất mong bà con đồng hành với công tác bảo tồn và cùng nhau giữ gìn vốn văn hóa quý báu đã có từ bao đời nay”.

Trong sự biến đổi chung của xã hội ngày nay, việc gìn giữ, tôn vinh các loại hình văn hóa, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống là việc làm hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, xa hơn là phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho bà con ở các buôn, làng, từ đó, tạo thêm nền tảng, động lực bổ trợ cho công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc./.

Song Nguyễn, Minh Vũ


Lượt xem: 88

Trả lời