Vai trò của cộng tác viên trong phòng, chống bệnh sốt rét

Cập nhật 16/4/2021, 11:04:22

Nếu như các bác sĩ là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân sốt rét thì đội ngũ cộng tác viên lại là người có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa bệnh sốt rét. Bởi đặc thù của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng thường có dân di cư biến động. Vì vậy một trong những biện pháp mà tỉnh Gia Lai đang áp dụng khá hiệu quả trong phòng, chống bệnh sốt rét đó là sử dụng đội ngũ cộng tác viên – những người nắm rõ tập quán sinh hoạt của người dân địa phương. Phóng sự được thực hiện tại huyện biên giới Đức Cơ, một trong 4 địa phương trọng điểm của tỉnh Gia Lai có bệnh sốt rét lưu hành.

Nếu như năm 2018 công tác tuyên truyền về phòng, chống sốt rét được  tỉnh Gia Lai triển khai ở 74 xã thuộc 14 huyện, thị xã thì đến năm 2021 giảm xuống còn 40 xã thuộc 4 huyện trọng điểm về bệnh sốt rét lưu hành gồm: thị xã Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa và huyện Đức Cơ. Cộng tác viên có nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân hiểu về căn bệnh sốt rét cũng như cách phòng chống.

Anh  Rơ Lan Tứ – Cộng tác viên phòng, chống sốt rét xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết: “Đầu tiên chúng tôi cũng chọn thời gian rảnh rỗi của người dân, đặc biệt là buổi tối, còn nếu thời gian làm nương rẫy chúng tôi phải trực tiếp vào nương rẫy tuyên truyền tại nương rẫy để cho người dân hiểu biết hơn về căn bệnh này và có những cách phòng chống”.

Chị Rơ lan H’ Thảo – Xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ nói: “Trong gia đình tôi có 1 người bị sốt rét, bản thân tôi thì chưa. Tôi thường đi làm cỏ rẫy, cỏ mì, cỏ điều trong rẫy. Phòng chống sốt rét thì ngủ rẫy phải bỏ màn, đi làm phải mặc áo dài tay, bôi kem chống muỗi để đỡ muỗi đốt.”

 Trong 3 năm trở lại đây, huyện Đức Cơ đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét. Nếu như năm 2018 toàn huyện có 99 ca mắc sốt rét, năm 2019 có 55 ca, năm 2020 có 6 ca thì những tháng đầu năm 2021 địa phương mới ghi nhận 1 ca sốt rét ở xã Ia Pnôn.

Điều dưỡng Hồ Xuân Hương, Cán bộ chuyên trách phòng, chống sốt rét – TTYT huyện Đức Cơ cho biết: “Người dân ở đây đa phần là 75% lao động đi vào rừng khai thác sản vật của rừng hoặc đi làm rẫy ở khu vực rừng – nơi khu vực biên giới xa khu dân cư, những đối tượng này thuộc dân di biến động có nguy cơ mắc sốt rét rất là cao. Chính vì vậy công tác phòng, chống sốt rét phải được thực hiện thường xuyên và liên tục”.

 Hàng năm trước khi bước vào mùa mưa, TTYT huyện Đức Cơ đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Gia Lai cấp phát màn, quần áo bảo hộ, mũ,…cho những người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 76 cộng tác viên, riêng huyện Đức Cơ có 4 cộng tác viên phụ trách 4 xã có sốt rét lưu hành gồm: Ia Kla, Ia Dom, Ia Din và xã Ia Krêl. Ngoài tên gọi là cộng tác viên thì đội ngũ này còn có một tên gọi khác đó là Smát (đọc là xi mát).

Chị Trịnh Thị Thu Hương, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Gia Lai nói: “Nhiệm vụ của SCDI có 4 nhiệm vụ chính: nhiệm vụ đầu tiên là sẽ đi thu thập thông tin người đi rừng, ngủ rẫy trong địa bàn mà họ quản lý; thứ hai là sau khi họ thu thập thông tin khách hàng xong họ sẽ tiến hành đi truyền thông cá nhân cho họ về kiến thức số rét; Nhiệm vụ thứ 3 là nhiệm vụ chuyển gửi, hỗ trợ tuân thủ điều trị”.

Hàng loạt các biện pháp phòng chống sốt rét được thực hiện, hàng trăm buổi tuyên truyền diễn ra tại từng thôn, làng đã làm giảm số lượng người mắc và tử vong do bệnh sốt rét trong nhiều năm qua. Nhưng đối với dân di cư biến động thì những biện pháp trên không đạt được kết quả như mong muốn mà phải nhờ vào đội ngũ cộng tác viên. Bởi họ đã truyền đi được một thông điệp rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao đó là: Mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình khỏi bệnh sốt rét bằng cách ngủ màn khi đi rừng, ngủ rẫy và uống thuốc phòng bệnh sốt rét khi đi vào vùng có sốt rét lưu hành./.

Lệ Xuân, Phi Long


Lượt xem: 49

Trả lời