Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai

Cập nhật 20/3/2019, 08:03:13

Nhân chuyến công tại tại Tây Nguyên và dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Pleiku vào sáng nay 19.3, chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai để nghe báo cáo tình hình kinh tế – xã hội và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn trong thời gian qua.
Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, kết quả xây dựng Đảng của tỉnh Gia Lai trong trong thời gian qua. Năm 2018 mặc dù thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện không mấy thuận lợi, mưa liên tục và kéo dài trong nhiều tháng gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực giảm thấp, tuy nhiên với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tỉnh, tất cả các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt 8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng/năm, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả khả quan, năm 2018 có 58 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng, có 32 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Hiện có 92 dự án đang được triển khai đầu tư với số vốn hơn 9.870 tỷ đồng, hơn 66 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng. Các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, hiệu quả và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nhất là tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,04%, trong đó không còn hộ nghèo là gia đình chính sách. Toàn tỉnh có 60/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 32,6%. Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống tham nhũng, lãng phí và hoạt động đối ngoại tiếp tục được giữ vững và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về công tác xây dựng Đảng, hiện Đảng bộ tỉnh có 21 đảng bộ trực thuộc với 57.811 đảng viên. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 2.156 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 1.316 chi bộ có chi ủy ( tăng 174 chị bộ có chi ủy so với năm 2017), đạt 61,04% so với Nghị quyết.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song qua đánh giá vẫn dưới mức tiềm năng. Để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh hiện có, tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác Quốc hội, tỉnh Gia Lai đã đề xuất một số ý kiến, kiến nghị đối với Trung ương. Xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, tuy nhiên hiện nay hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, gây cản trở cho công tác vận chuyển hàng hóa cũng như thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, vì vậy Gia Lai đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cho các tỉnh Tây Nguyên hoặc đường cao tốc đoạn qua Quốc lộ 19 ở Gia Lai. Nhằm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào địa bàn, Trung ương sớm có cơ chế mở cho tỉnh nhằm khuyến khích thu hút các dự án đầu tư, đồng thời hỗ trợ tỉnh kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, ưu tiên vốn ODA đầu tư cho tỉnh để đầu tư các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và cải thiện môi trường nước tại các đô thị. Liên quan đến những khó khăn của các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh do tình trạng mất mùa, mất giá và chết do sâu bệnh, Gia Lai đề nghị TW xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng tiêu ở Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên đã vay vốn ngân hàng trồng tiêu nhưng hiện nay không có khả năng trả nợ. Gia Lai cũng đề nghị TW xem xét đầu tư cho tỉnh Công trình Thủy lợi Djang tại xã Lơ Ku, huyện Kbang để giải quyết nước tưới cho 250 ha lúa nước 2 vụ và 3.000 ha cây hoa màu các loại. Tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội NguyễnThị Kim Ngân bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay của tỉnh Gia Lai trong những năm qua và điều đáng phấn khởi là với tốc độ đô thị hóa khá nhanh như vậy nhưng Gia Lai vẫn giữ được nét kiến trúc của một Tây Nguyên thơ mộng và xinh đẹp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả về thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng tỉnh Gia Lai đã đạt được:

“Điều đángmừng là tất cả các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2018 của Gia Lai đều đạt và vượt so với KH đặt ra. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.500 tỷ, năm nay KH đặt ra là 5.000 tỷ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Về nông nghiệp, ngoài các mặt hàng chủ lực, tỉnh cũng đã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh cà phê và nhân rộng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đối với cây trồng, phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại, thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc rừng trên địa bàn. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng tăng khá. Một số dịch vụ tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải tiếp tục phát triển. Một số DN Gia Lai đã xây dựng được một số thương hiệu mang thế mạnh của địa phương. Một trong những nỗ lực mà tỉnh Gia Lai đã thực hiện quyết liệt trong thời gian qua là cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan tâm hỗ trợ phát triển DN và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo đều được tỉnh thực hiện tốt. Tôi rất bất ngờ về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương, giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí với các nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra và cho rằng việc thực hiện phải bắt đầu từ cái khó khăn nhất hiện nay của tỉnh, đó là công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như xây dựng nông thôn mới ở vùng này, tiếp đến là công tác thu hút đầu tư vào địa bàn, trong đó ưu tiên phát triển các dự án nông nghiệp, đây là một trong những tiềm năng, thế mạnh rất lớn của Gia Lai. Ngoài các cây trồng chủ lực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Gia Lai đánh giá lại tiềm năng để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, điều này sẽ trực tiếp nâng cao thu nhập cho người dân gắn với thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ngoài việc xem xét, tái cơ cấu lại các loại cây trồng chủ lực, Gia Lai đang đi đúng hướng khi có kế hoạch mở rộng các loại cây trồng khác, trong đó có cây ăn trái, rau củ quả…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng Gia Lai phải phát triển du lịch gắn với phát triển cây trồng dược liệu mà hiện nay Gia Lai đang có tiềm năng và phải xác định phát triển du lịch trở thành vùng kinh tế mũi nhọn, đồng thời kết nối với vùng ven biển miền Trung vì hiện nay du lịch khu vực này đang phát triển mạnh. Gia Lai phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ những trăn trở về hạ tầng giao thông giữa các tỉnh nối với Gia Lai. Đồng chí phát biểu: “Giao thông nhiều bức xúc nhưng chúng ta phải chọn. Bây giờ đi xuống biển chỉ có con đường QL 19 , không có sự lựa chọn nào khác, vì vậy cần phải đầu tư. Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH đối với đầu tư Gia Lai và trình Chính phủ xem sử dụng nguồn nào để đầu tư. Đề nghị UB Tài chính – NS cần quan tâm để bố trí nguồn vốn để tạo điều kiện cho Gia Lai phát triển giao thông”.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng nông thôn mới triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong thông báo kết luận làm việc với tỉnh Gia Lai, phải đề nghị Chính phủ xem lại việc chọn Gia Lai để làm điểm nông thôn mới, rà soát lại nguồn lực đầu tư và sắp tới cần hỗ trợ thêm để Gia Lai hoàn thành được dự án thí điểm về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với kiến nghị của tỉnh Gia Lai về đầu tư cho tỉnh Công trình Thủy lợi Djang tại xã Lơ Ku, huyện Kbang:

“ Công trình này vốn đầu tư chỉ có 200 tỷ nhưng giúp cho hàng trăm hộ dân có nước sinh hoạt, sản xuất. Cần thiết phải đưa vào chương trình bổ sung có mục tiêu bổ sung ngân sách cho địa phương”.

Gia Lai hiện còn 30 ngàn hộ dân tộc thiểu số nghèo, ngoài nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Gia Lai cần ưu tiên nguồn ngân sách địa phương, tập trung chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, bảo đảm sự  bình đẳng, đoàn kết, thương yêu của 34 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm, đề nghị Gia Lai tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, tăng cường xây dựng quốc phòng an ninh trong hệ thống phòng thủ của tỉnh, chủ động nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn các thế lực thù địch đang có âm mưu chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, tạo điều kiện cho người dân sống theo tín ngưỡng tôn giáo, song phải ngăn chặn các tà đạo đang âm thầm phá hoại niềm tin của một bộ phận người dân. Tiếp tục thực hiện các giải chấn áp các loại tội phạm, trong đó có tín dụng đen, đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại tổ cáo của nhân dân, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, nắm chắc cơ sở. Tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, chuẩn bị công tác Đại hội Đảng trong thời gian tới và một số nhiệm vụ quan trọng khác.

Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Gia Lai với Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận và giao cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp trình Chính phủ xem xét, giải quyết.

Hồng Uyên,  R’Piên,  Cao Duy


Lượt xem: 39

Trả lời