Ước mơ giản dị của chàng trai tật nguyền Nay Droeng đã thành hiện thực.

Cập nhật 16/9/2013, 09:09:23

Hơn 18 năm về trước, gia đình ông Ksor Yoang ở Buôn Ji A, xã Krông năng, huyện Krông Pa phải chịu nộp phạt cho làng để giữ lại mạng sống cho cậu con trai tật nguyền Nay Droeng vì ngay từ khi sinh ra không có đôi bàn chân và không có cả đôi bàn tay. Vượt qua lời nguyền và bằng nghị lực phi thường, hôm nay, ước mơ giản dị của Nay Droeng trở thành tân sinh viên cao đẳng công nghệ thông tin, Đại học Đà Nẵng đã thành hiện thực.

 

Buôn Ji A, xã Krông năng, huyện Krông Pa một ngày đầu tháng 9, trong cái nắng xế chiều, nhà ông Ksor Yoang đang đốt heo để liên hoan cho thằng Droeng đi học. Cậu bé Droeng tật nguyền ngày nào nay đã trở thành tân sinh viên Công nghệ thông tin của trường Cao đẳng công nghệ thông tin, thuộc Đại học Đà Nẵng. Ông Ksor Yoang là người vui mừng nhất. Mới ngày nào gia đình ông phải nộp phạt cho làng để giữ lại mạng sống cho Droeng, một sinh linh bé bỏng sinh ra giống như một cục thịt, không có đôi bàn chân cũng chẳng có đôi bàn tay.

Theo lời nguyền của người Jrai, thì những đứa trẻ sinh ra bị tật nguyền phải bị chôn sống, trở về với Atau, tức cõi chết. Già làng nói nếu để cho nó sống sẽ bị giàng phạt, cây lúa trên rẫy không trổ bông, nuôi con heo, con bò không biết lớn. Trước đây, cả làng đã phải chứng kiến cảnh 2 đứa anh của Droeng bị chôn sống, ai cũng thương nhưng cũng sợ. Ấy vậy mà hôm nay nó đã vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường để chứng tỏ cho mọi người trong buôn làng thấy rằng họ đã sai với những hủ tục lạc hậu từ bao đời nay.

Tâm sự với chúng tôi ông Ksor Yoang-Cha của Nay Droeng cho biết: “Gia đình chúng tôi rất là mừng, làm 1 con heo, chiều nay liên hoan cho con để ngày mai con lên đường học tốt, cố gắng tiếp xúc với bạn bè, chấp hành tốt quy định của nhà trường, cố gắng học tốt để có công ăn việc làm”.

Còn Droeng, cậu bé suýt bị chôn sống năm nào tha thiết đòi đi học trong sự hoài nghi của mọi người. Droeng sẽ làm gì và sẽ học như thế nào? Khi thiếu cả đôi bàn chân lẫn đôi bàn tay? Vậy mà Droeng đã làm được điều không ai tưởng tượng nổi. Giờ đây, ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin của Nay Droeng đã bước qua ngưỡng cửa khó khăn nhất, đó là cậu đã thi đậu vào ngành cao đẳng công nghệ thông tin, thuộc trường Đại học Đà Nẵng.

Trong niềm vui Nay Droeng-Buôn Ji A – xã Krong Năng – huyện Krông Pa, tâm sự: “Sau khi nhận giấy báo vào học em cảm thấy rất vui và em sẽ cố gắng học tốt học nhiều hơn nữa để hoàn thành ước mơ của mình. Vào môi trường mới em sẽ cố gắng hòa nhập như mọi người để hoàn thiện mình hơn, để sau này có thể thực hiện được ước mơ của mình nhiều hơn.

Cái giấy báo trúng tuyển vào ngành cao đẳng công nghệ thông tin, Đại học Đà Nẵng đã một lần nữa xóa bỏ những e dè, nghi kỵ cuối cùng của mọi người với khả năng của Droeng. nhiều người trong buôn Ji đã ví Droeng như một huyền thoại giữa đời thường.

Câu chuyện về Droeng, một đứa trẻ dị tật may mắn nhất trong hủ tục oan nghiệt của buôn Ji, một nạn nhân chất độc da cam luôn khát vọng được hòa nhập đời sống cộng đồng, một cậu học trò nghị lực vượt khó bằng ý chí kiên cường đã và đang khơi nguồn cho rất nhiều cách nghĩ của mọi người trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên./.  

Ctv: Đức Mạo


Lượt xem: 92

Trả lời