UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật 22/6/2022, 10:06:33

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 3514 ngày 06/6/2022 về tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; ngày 21/6/2022, UBND tỉnh có văn bản số 1314 yêu cầu:

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 631 ngày 06/10/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020-2025 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1092 ngày 31/5/2022 về việc khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022. Căn cứ hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, tình hình diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế của tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung có liên quan thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi thú y tăng cường nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời xử lý các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

– UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1092 ngày 31/5/2022, nhất là khẩn trương xây dựng Kế hoạch và bố trí kinh phí kịp thời để mua vắc-xin, hóa chất,… phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã chủ động tăng cường giám sát đàn lợn, nhất là tại các khu vực trước đây đã có gia súc mắc bệnh, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là tại cấp huyện, cấp xã; bảo đảm đủ năng lực để tổ chức chống dịch kịp thời, hiệu quả.Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh./.

             BT: Mỹ Tiến

 


Lượt xem: 2

Trả lời