Tuyên ngôn độc lập 1945-Giá trị lịch sử và thời đại

Cập nhật 02/9/2016, 21:09:27

71 năm đã trôi qua nhưng giá trị lịch sử của Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang đậm tính thời sự và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: Lần đầu tiên người dân Việt nam có quyền ngẩng cao đầu tự hào mình là công dân của một nước tự do và độc lập.

Trong không khí  hân hoan của ngày Tết Độc lập, chúng ta hãy cùng ôn lại áng văn bất hủ góp phần làm nên cốt cách và tâm hồn của dân tộc ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội cách đây 71 năm.

2.9 tuyenngon

Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó cũng là mục tiêu, lí tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến. Bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng”.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 1945:  “Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

 Nếu như bản tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Tuyên ngôn Ðộc lập kết thúc với một quyết tâm sắt đá:

 “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

71 năm trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào lòng người như sự thức tỉnh, khẳng định niềm tin và sức mạnh của dân tộc Việt Nam vào tương lai tươi đẹp. Nhất là sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng. Năm tháng sẽ qua đi nhưng Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, chúng ta trân trọng và phát huy những giá trị của lịch sử để xây dựng hiện tại và hướng tới tương lai./.

Lê Thư ( BT)


Lượt xem: 214

Trả lời