Từng bước lai cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò ở Đak Đoa

Cập nhật 10/7/2017, 08:07:59

 Là địa phương có lợi thế về mặt đất đai, nguồn lao động, thời gian qua, huyện Đak Đoa đã tập trung triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi nâng cao chất lượng đàn bò, phát triển kinh tế một cách có hiệu quả.

Trước đây, đàn bò của huyện Đak Đoa có khoảng 95% là giống bò vàng địa phương, năng suất và trọng lượng đạt thấp. Vì vậy, các cấp ngành, địa phương xem chương trình lai cải tạo đàn bò là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Từ năm 2002, huyện Đak Đoa đã xuất nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ người dân đẩy mạnh lai cải tạo đàn bò bằng phương pháp phối tinh nhân tạo. Trung bình mỗi năm toàn huyện có khoảng gần 500 bò cái được phối tinh nhân tạo. Riêng trong năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện đã xuất cấp 800 liều tinh và 800 lít nitơ để tiến hành phối tinh nhân tạo cho đàn bò tại các xã trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí 820 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Cán bộ kỹ thuật Chăn nuôi thú y, Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa cho biết: “Những năm đầu phối tinh nhân tạo dân họ cũng ái ngại . Sau này, dần dần quen rồi họ thấy bê lai ra đời tầm vóc của nó lớn hơn nhiều so với bò địa phương nên từ những người đồng bào dân tộc thiểu số họ cũng mạnh dạn để phối giống nhân tạo cho bò”.

Triển khai dự án lai cải tạo đàn bò trên địa bàn huyện Đak Đoa, các ngành chuyên môn đã tham mưu chọn dòng tinh giống bò đực cao sản, có ngoại hình to lớn hơn nhiều so với bò địa phương như giống bò lai Brahmand và lai Sin, như vậy sẽ góp phần vào việc cải thiện tầm vóc cũng như chất lượng đàn bò thịt của huyện.

Ông Trần Viết Tâm, Cán bộ thú y , Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa cho biết: “Tôi thấy chương trình lai cải tạo đàn bò này rất tốt. Bởi vì, từ những con bò địa phương đã phối giống ra đàn bò thế hệ F1 như thế này, hiệu quả kinh tế đối với nhân dân rất là tốt. Sinh trưởng của bò nghé ra đời nói chung là tốt hết”.

Cùng với đó, huyện đang triển khai quy hoạch lại đồng cỏ, bãi chăn thả bò và vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cỏ phục vụ chăn nuôi bò…Với đặc điểm dễ thích nghi với điều kiện khí hậu và môi trường sống ở địa phương, số bê lai ra đời đang sinh trưởng và phát triển tốt, được hộ chăn nuôi đánh giá cao.

Bà Lê Thị Châu, Tổ dân phố 4, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa nói: “Tôi thấy giống bò lai này rất dễ nuôi. Bò nhà tôi nuôi nhốt, thức ăn chủ yếu là cỏ và các phụ phẩm, nhưng bê vẫn phát triển tốt, lớn rất nhanh”.

Được biết, nhờ các chương trình, dự án lai cải tạo đàn bò, đến nay tỷ lệ bò lai trên địa bàn huyện Đak Đoa đã chiếm trên 47% tổng đàn. Hy vọng rằng, thời gian tới  khi dự án lai cải tạo đàn bò phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện thì số lượng đàn bò sẽ tăng, cùng với đó năng suất và chất lượng thịt sẽ được nâng cao./.

Bích Thủy, Đặng Trà

 


Lượt xem: 174

Trả lời