Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng trong tình hình mới

Cập nhật 02/9/2023, 07:09:53

Công tác cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ – di sản tinh thần quý báu được Đảng ta học tập, kế thừa và vận dụng sáng tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh. Đây là yếu tố quyết định đến sự thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc.

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện, lãnh đạo Đảng ta. Người luôn đặc biệt quan tâm và bàn nhiều vấn đề liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ. Người xem đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là hệ thống quan điểm kết hợp tinh tế giữa lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Với Bác, người cán bộ cần phải đảm bảo các yếu tố về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ; phải có đạo đức cách mạng đó là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; trung với nước, hiếu với dân; có tình thương yêu con người, tình thương đồng bào, đồng chí. Với quan điểm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; bởi vậy Bác căn dặn, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Thạc sỹ Nguyễn Công Chánh – Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai nêu: “Trong các bài viết, tác phẩm đầu tiên của Bác đến những tác phẩm cuối cùng của Bác cũng đều thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Theo Bác, cán bộ, đảng viên ngoài phẩm chất chính trị cần phả có năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Muốn làm được điều đó thì phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ. Trong các văn kiện của Đảng ta cũng đã thể hiện các quan điểm chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh; là nhiệm vụ then chốt của then chốt…”

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải thực hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc trong công tác cán bộ, đó là: Phải đánh giá đúng cán bộ, là khâu rất quan trọng; phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ để phát huy và sử dụng hết năng lực, sở trường của cán bộ; phải khéo dùng cán bộ; quan tâm về cân nhắc, đề bạt cán bộ; phải kiên quyết chống các biểu hiệu tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thạc sỹ Nguyễn Công Chánh – Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai trao đổi: “Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ là đánh giá đúng cán bộ, đây là việc khó. Đánh giá đúng cán bộ có ý nghĩa quyết định đến các khâu khác của công tác cán bộ. Muốn đánh giá đúng cán bộ thì phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đánh giá cán bộ đa chiều, ở nhiều thời điểm; có sự phân cấp, phân quyền trong đánh giá cán bộ và phát huy vai trò của các cơ quan tổ chức trong công tác đánh giá cán bộ…”

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, Gia Lai đã triển khai nhiệm vụ trọng yếu công tác cán bộ và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng; là nhân tố có tính quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh nhà. Tiếp nối những kết quả đã đạt được,một trong Bốn Chương trình trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025 đó là tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát hơn trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Đổi mới mạnh mẽ phong cách, lề lối làm việc theo hướng cụ thể, sát việc, sát cơ sở. Kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, an phận, bảo thủ, trì trệ, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có người đứng đầu, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu, lợi ích chung, vì sự phát triển của tỉnh… Lãnh đạo thực hiện công tác tổ chức, cán bộ đúng quy trình, quy định; xác định đây là nhiệm vụ then chốt, bao trùm, nhân tố quyết định sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2025 – 2030. Quan tâm công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng.”

Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho Đảng ta trong quá trình xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ, then chốt của then chốt, hệ trọng nhất trong những việc hệ trọng.Cần phát huy những kết quả đã đạt được để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp “vừa hồng, vừa chuyên” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế./.

Hà Đức  – R’Piên


Lượt xem: 22

Trả lời