Trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế

Cập nhật 24/4/2023, 07:04:50

Với mục đích nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, những mô hình trồng xen canh, nhất là xen canh cây ăn trái đã và đang được nhiều nông dân tại các địa phương trong tỉnh Gia Lai chọn để phát triển kinh tế gia đình. Lựa chọn hướng đi này đã giúp nhiều nông dân tăng thu nhập với hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại, đồng thời cũng giúp người nông dân hạn chế rủi ro trước tình trạng “được mùa, mất giá”.

Với suy nghĩ đa dạng hóa cây trồng giúp nông dân không bị phụ thuộc vào một loại cây trồng nào và hạn chế rủi ro trong vấn đề thị trường tiêu thụ,  năm 2019, trên diện tích hơn 02 ha chuyển đổi từ cà phê kém hiệu quả và tiêu chết của gia đình, anh Nguyễn Sỹ Cậy ở thôn Lũh Yố, xã Ia Hrú,  huyện Chư Pưh quyết định trồng xen canh mít và sầu riêng. Theo anh Cậy, trồng xen chính là thực hiện đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, là hướng đột phá để nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập bền vững cho nông dân.

Anh Nguyễn Sỹ Cậy – Thôn Lũh Yố, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh cho biết: “Cái này mình cũng theo trào lưu để làm. Khi đó làm nói trồng cà phê thì vài năm cũng chặt, mới vô kinh doanh cũng chặt nên thôi mình trồng cây mít; cũng hết ít cây,cây có mấy chục nghìn. Năm xưa suy nghĩ cây 35 nghìn, mình thu một trái là lấy lại vốn, đất bỏ không cũng không làm gì nên mình trồng; mà cũng may nhờ nó che được gió chứ không có nó cũng không che được gió.”

Trồng xen canh nhiều loại cây trồng, trong đó tập trung vào các loại cây ăn trái như bơ, mít, sầu riêng không chỉ giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh vượt qua giai đoạn khó khăn khi tiêu chết hàng loạt, mà cũng từ đây đã giúp nhiều nông dân thu lợi vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/ha mỗi năm. Đồng thời nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng các giống chất lượng đã giúp nâng cao năng suất cây trồng, phù hợp để bà con nông dân phát triển sản xuất mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Thôn Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh nói: “Cây bơ 034 này trồng thì nó mang lại kinh tế cũng cao, nếu làm nông nghiệp thì nó cũng cao chứ không thấp đâu. So với cây sầu riêng thì nó thua nhưng vì nó thu nhập trước, trồng 2 năm là đã có thu rồi còn cây sầu riêng tới 5 năm lận cho nên nó thu lai rai; trước mắt nói chung là lấy ngắn nuôi dài vẫn được. Mình làm mô hình này vì mình tính sau này cây sầu riêng nó lớn thì mình thu cây bơ này ít lại và tiến tới là mình bỏ đi luôn để cây sầu riêng phát triển.”

Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích, mô hình trồng xen canh cây ăn trái trên địa bàn huyện Chư Pưh được đánh giá là khả quan và mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên để phát triển mang tính bền vững và phù hợp, địa phương và ngành chuyên môn cũng cần khuyến cáo người dân phát triển sản xuất mô hình xen canh này tùy thuộc vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu từng nơi, tránh phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch.

Mỹ Tiến – Duy Linh


Lượt xem: 21

Trả lời