Trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai – Hướng đi mới trong phát triển cây dược liệu

Cập nhật 10/3/2022, 14:03:44

Bảo tồn, phát triển cây dược liệu và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là một trong những chủ trương, định hướng lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong phát triển kinh tế rừng nhằm vừa nâng cao độ che phủ rừng, vừa tăng cường sinh kế cho người dân, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số. Mới đây, một doanh nghiệp ở huyện Đak Đoa đã liên kết với người dân để triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai. Đây được xem là hướng đi mới góp phần phát triển bền vững trên lĩnh vực lâm nghiệp ở Gia Lai.

Sau một thời gian nuôi cấy phôi nấm linh chi đỏ trên thân cây keo lai F1, cuối năm 2021, Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Five A (ở huyện Đak Đoa) đã đưa ra trồng thử nghiệm thành công dưới tán vườn cây ăn quả và rừng keo lai với tổng diện tích 10 ha. Khi triển khai mô hình, công ty đã đào tạo và liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Glar để tham gia trồng, chăm sóc nấm.

Anh Y Du – Làng Tươh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Ban đầu trồng nấm linh chi dưới tán rừng cũng khó nhưng được cán bộ kỹ thuật công ty hướng dẫn nên cũng dễ. Trồng được 3, 4 tháng thì thấy lên tốt. Khi thấy cây nấm lên là vui rồi, phấn khởi rồi.”

Mới đây, Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Five A đã triển khai nhân rộng mô hình ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Mô hình này có diện tích khoảng 10 ha do công ty liên kết với 1 nhóm hộ triển khai thực hiện. Theo kế hoạch, trong năm 2022, công ty sẽ triển khai trồng khoảng 500.000 phôi nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai ở các huyện Đak Đoa, Chư Păh và trồng dưới tán rừng tự nhiên ở huyện Kbang với tổng diện tích hơn 30 ha. Trong triển khai thực hiện các mô hình, phía doanh nghiệp sẽ gắn kết chặt chẽ với các hộ dân, nhất là các cộng đồng người dân tộc thiểu số thông qua các tổ liên kết, hợp tác xã để cung ứng phôi giống ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ông Trần Ngọc Ấn – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Five A cho biết: “Mục đích của chúng tôi là tạo ra một sinh kế mới cho người đồng bào ở Tây Nguyên phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng một cây dược liệu cụ thể mà chúng tôi đã nghiên cứu và có đăng ký, có bảo hộ. Và để tạo ra nhiều sản phẩm cho doanh nghiệp bao tiêu, thu mua và chế biến sâu, đưa đi xuất khẩu ở các thị trường trên thế giới./ Cho nên mục đích của chúng tôi đến đây là cùng với đồng bào để phát triển cho cả cộng đồng chứ không chỉ cho riêng chúng tôi; để đào tạo cho người nông dân nâng nhận thức lên.”

Với cây nấm linh chi đỏ khi trồng dưới tán rừng keo lai hay cây ăn quả chỉ cần tưới nước đầy đủ thì 1 năm sẽ cho thu hoạch 3 lần với năng suất bình quân khoảng 4,8 tấn khô/ha. Giá bao tiêu được doanh nghiệp đưa ra là từ 600 ngàn đến 800 ngàn đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi ha thu được trên 100 triệu đồng. Mô hình này hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế dưới tán rừng cho người dân, nhất là bà con trong vùng dân tộc thiểu số khi mà mục tiêu được tỉnh Gia Lai đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là bình quân mỗi năm sẽ trồng mới thêm 8.000 ha rừng cùng với bảo tồn và phát triển các loại cây được liệu mà tỉnh có rất nhiều tiềm năng.

Ksor Wek – Làng Mơ rông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh nói: “Tôi mong muốn mai mốt bà con được tham gia trồng nấm để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho bà con. Khi mô hình trồng nấm về đây thì bà con cũng mừng và để bà con học tập cho sau này có cuộc sống khá giả hơn.”

Ông Hoàng Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Păh nêu: “Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo thì cũng mong muốn mô hình này sẽ tạo điều kiện công ăn việc làm thường xuyên cho một số bộ phận người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thứ hai là mong muốn người dân làm việc ở đây học hỏi được kinh nghiệm trồng nấm dưới tán rừng để sau này có điều kiện thì trồng dưới chính tán rừng của gia đình.”

Một trong những nội dung mà Nghị quyết số 06 ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 xác định là chú trọng phát triển dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, mục tiêu cụ thể là giai đoạn 2021 – 2025 phát triển tối thiểu 6.500 ha dược liệu và giai đoạn tiếp theo tối thiểu đạt 11.300 ha. Với việc triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai và tiến tới là trồng dưới tán rừng tự nhiên sẽ góp phần đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Quan trọng hơn mô hình này sẽ là hướng đi bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng./.

Đức Hải – Huy Toàn


Lượt xem: 12

Trả lời