Trồng dâu nuôi tằm trên những vùng tiêu bị chết

Cập nhật 17/12/2018, 10:12:14

Hồ tiêu vốn được xem là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân huyện Chư Pưh. Thế nhưng thời gian gần đây, loại cây này lại liên tục rớt giá, dịch bệnh gây hại nhiều nên năng suất và chất lượng giảm mạnh. Nhận thấy cần phải tìm một hướng đi mới, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, trồng dâu nuôi tằm là mô hình đang được bà con nông dân tại địa phương tiến hành trồng thử nghiệm.Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng đi triển vọng giúp người nông dân nâng cao đời sống.

Khu vườn rộng 1 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Duyền, Thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh  trước đây là 1 vườn tiêu xanh tốt… Bây giờ, những cây tiêu chỉ còn trơ lại gốc xám xịt… Thế nhưng, bên cạnh những gốc tiêu chết, một sức sống mới đang được hồi sinh…

Chị Duyền cho biết: “Từ ngày tiêu chết tôi cũng không biết làm gì. Cũng đi học hỏi thấy trồng cây dâu phát triển tốt. 15 ngày cũng thu nhập được 6-7 triệu. Trồng dâu phải chăm bón phân, xịt thuốc phải theo chu kỳ”.

Tại thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, gần 1 năm nay đã có 12 hộ dân chuyển đổi đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng dâu nuôi tằm. Theo đánh giá bước đầu của nông dân, với địa hình đồi núi, khí hậu thuận lợi, cây dâu được trồng tại địa phương thích nghi và phát triển tốt. Giống dâu được bà con chọn trồng là S7-CB, VA-201 là giống dâu lai trồng bằng hom, lá dày, màu xanh đậm, cho năng suất trên 20 tấn lá/ha/năm, có chất lượng lá đảm bảo, phù hợp làm thức ăn cho tằm.

Chị Nguyễn Thị Lũy – Thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cũng nói chị lấy giống về trồng khoảng 6 tháng thấy cây lên rất nhanh. “Mình làm ra kén thì rất dễ bán. Vì có người mua đến tận nhà luôn. Cái này làm rất đơn giản, mình không phải đầu tư nhiều”.

Một chu kỳ sản xuất kén tằm là 20 ngày, mỗi năm trung bình sản xuất được 8 lứa. Với 0,5 ha trồng dâu có thể nuôi được mỗi lứa tằm cho sản lượng trung bình là 250 kg kén tằm. Chi phí đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng. Với giá bình quân là từ 130- 180 ngàn đồng/kg kén tằm, có thể thấy thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn so với trồng các loại cây ngắn ngày khác.

Ông Hoàng Văn Hoan – Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh cho biết; “Trồng dâu nuôi tằm trên những diện tích tiêu chết có thể tận dụng được điều kiện cơ sở vật chất, tưới tiêu, nguồn lực đầu tư sẵn có. Đây là một nghề mới đối với huyện, nhưng cũng hi vọng sẽ phát triển được”.

Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, hiện một số hộ dân tại thôn Lương Hà cũng bắt đầu học tập kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, UBND huyện Chư Pưh cũng đang triển khai đề án “Xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm nơi chân ruộng thiếu nước về mùa khô trong làng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích canh tác./.

Nhâm Dung, Minh Trung


Lượt xem: 135

Trả lời