Trồng cam- Hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật 27/5/2020, 09:05:08

 Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Kbang có nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích cây trồng năng suất thấp sang trồng cây ăn quả để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong số đó có mô hình trồng cam sành của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình – Tổ dân phố 8  – thị trấn Kbang được đánh giá là mô hình có nhiều triển vọng, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông.

Chúng tôi vừa có dịp cùng Hội Nông dân huyện và Thị trấn đến tham quan vườn cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình – Tổ dân phố 8 –  thị trấn Kbang. Cây trồng ở đây gọn gàng, ngay ngắn; những chùm quả to, vàng óng xen giữa màu lá xanh mướt cho thấy đây là một mùa vụ được dày công chăm sóc và cho năng suất cao. Ông Bình cho biết: Khi bắt tay vào trồng cam, do chưa nắm vững về kỹ thuật nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Vì Cam Sành và Cam Vinh là loại cây ăn quả rất khó trồng, phải chăm sóc rất công phu, cần phải áp dụng qui trình nghiêm ngặt. Mặt khác, mỗi năm cây Cam Sành và Cam Vinh chỉ ra quả một lần nên việc nắm bắt thời điểm cho ra quả theo ý muốn là cả quá trình học hỏi, áp dụng.

Ông Bình nói: “Đầu tiên tôi trồng thử 100 cây, thấy cam phù hợp với đất nơi này cho nên tôi chuyển dần dần từ cây cà phê sang trồng cây ăn quả.  Với cam như thế này, ngoài phân bón,  công chăm sóc rất quan trọng, tỉa cành, bón phân. Mấy năm gần đây được Hội Nông dân Thị trấn rồi Hội Nông dân huyện tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tôi về chuyển hết diện tích cà phê của tôi là  2,5 ha”.

Với hơn 100 gốc cam, 50 cây quýt cho thu hoạch ổn định mỗi năm cũng được khoảng 5 tấn quả, thu về trên 80 triệu đồng. Nhận thấy trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, ông Bình tiếp tục trồng thêm 400 cây quýt, 100 cây bơ, 70 cây sầu riêng … hiện đang phát triển tốt. Để vườn cây ăn quả phát huy hiệu quả, gia đình ông  đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động trên 40 triệu đồng, tưới đến từng gốc cây ăn quả.

Hiện mô hình trồng cây ăn quả này được Hội Nông dân huyện chọn là mô hình tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và được nhiều nông dân ở các địa phương trong huyện đến tham quan, học tập.

Ông Đinh Rêu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang cho biết: “Qua tham quan mô  hình của anh Bình, Hội sẽ triển khai cho các xã, nhất là các xã vùng sâu vùng xa để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Và trong thời gian đến Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với NHCSXH, Ngân hàng NNPTNT huyện hỗ trợ cho hội viên vay vốn, quĩ hỗ trợ nông dân để bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi, góp phần cho huyện Kbang về đích nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo cho hội viên nông dân”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một số hộ dân theo những hướng đi mới đã giúp cho bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Đó cũng chính là tiền đề để đẩy nhanh việc giảm nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian tới./.

CTV Thúy Điểm  (Huyện Kbang)


Lượt xem: 211

Trả lời