Trở về những miền quê cách mạng

Cập nhật 18/8/2023, 13:08:29

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Gia Lai tự hào là vùng đất kiên cường, bất khuất, giàu truyền thống cách mạng. Cùng với toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc Gia Lai đã tham giachiến đấu dũng cảm, lập chiến công xuất sắc trên mọi chiến trường. Những vùng đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội ở Gia Lai mãi mãi đi vào lịch sử, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, trong 2 cuộc kháng chiến là vùng căn cứ cách mạng, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những năm chiến tranh ác liệt, nơi đây ai ai cũng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, quyết tâm bám trụ, chiến đấu bảo vệ mảnh đất thân thương, mong đến ngày toàn thắng. Để giữ gìn quê hương trước bom đạn của kẻ thù, nhiều người con ở Yang Bắc đã anh dũng hy sinh, để đổi lấy hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Những trận đánh lịch sử, những người con ưu tú của Yang Bắc đã ngã xuống mãi ghi danh tại mảnh đất Anh hùng này.

Ông Đinh Cư  – Làng Klăh Môn, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ bồi hồi kể lại: “Xã mình trước đây là vùng căn cứ cách mạng, nên thường xuyên bị địch càn quét, chiến sự ác liệt lắm; thôn làng, nhà cửa bị bom đạn tàn phá tan hoang hết. Mình tham gia du kích năm 1965, cùng với đội du kích và dân quân địa phương tham gia nhiều trận đánh và bị thương. Chiến tranh nên đói khổ lắm, nhưng mình và bà con ở đây luôn bám trụ, chiến đấu đánh đuổi giặc, giữ gìn mảnh đất của cha ông mình…”

Bà Ksor H’Nếch – Làng Krông Hra, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ xúc động  nói: “Trong thời kỳ kháng chiến, xã mình ai cũng theo cách mạng tham gia chiến đấu. Mình tham gia cách mạng khi đó còn nhỏ lắm, mới 15,16 tuổi thì theo các cô các chú, tham gia đội du kích của xã và bị địch bắt giam 1 năm 4 tháng. Thời đó gian khổ lắm, nhưng bà con mình cung cấp lương thực cho cán bộ để chiến đấu, kiên trì, giữ đất, giữ làng…Giờ thì mình được Nhà nước hàng tháng trợ cấp hơn 3 triệu đồng và cuộc sống ổn định, bà con ở đây đều vui mừng…”

Cũng như những vùng quê khác, trong chiến tranh đói nghèo thường trực trên mỗi nếp nhà, người dân ở xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa chỉ biết trông chờ vào củ mài, củ sắn, nhưng ai cũng theo Đảng, Bác Hồ, một lòng chiến đấu bảo vệ quê hương, chăm chỉ lao động sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ và bộ đội, đảm bảo vững chắc vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt, Đak Sơ Mei còn là quê hương của Anh hùng Wừu – người con của dân tộc Bahnar nổi tiếng ở Tây Nguyên. Hiện nay, Khu lưu niệm Anh hùng Wừu đã được xây dựng gần trụ sở UBND xã và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Đinh Nhếp – Thôn Tul Doa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Mình tham gia cách mạng từ năm 1968, bây giờ là cựu chiến binh, mình được nhận chế độ của Nhà nước. Thời chiến tranh ở đây khó khăn lắm, nhưng bà con một lòng theo Đảng, bây giờ thì được nhà nước quan tâm, cuộc sống của người dân bây giờ đã phát triển hơn trước. Đảng và Nhà nước quan tâm xây cho điện, đường, trường, trạm xã được đưa về tận thôn, làng. Con trẻ được đến trường học chữ, tham gia vào các hoạt động văn hóa.  Người dân được hỗ trợ làm ăn, bây giờ chăm chỉ đủ ăn, đủ mặc, không phải chịu cảnh đói nghèo như xưa.”

Sau khi hoàn bình lập lại, những vùng căn cứ cách mạng, vùng đất Anh hùng năm xưa đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư đồng bộ nhiều chương trình, dự án phục vụ dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng phát triển kinh tế. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, người dân vùng căn cứ cách mạng nỗ lực làm ăn, xây dựng thôn làng ngày càng khởi sắc.

Ông Đinh HVư – Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ phấn khởi nói: “Bà con ở đây rất tự hào là xã Anh hùng với những lưu danh về những chiến công chống địch và nhiều liệt sỹ hy sinh với những trang sử hào hùng của dân tộc. Phát huy truyền thống cha ông đi trước, các thế hệ hôm nay sẽ quyết tâm phấn đấu, một lòng kiên trung theo Đảng, cố gắng học tập và phấn đấu để ngày càng tốt hơn. Địa phương chúng tôi sẽ vận động bà con luôn giữ gìn an ninh trật tự, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, siêng năng lao động sản xuất để xây dựng thôn làng ngày càng ấm no, xây dựng nông thôn mới…”

Ông Đậu Sỹ Kế – Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống cách  mạng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng  vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Với thế mạnh của địa phương, xã sẽ vận động người dân  sẽ tập trung vào phát triển cây cà phê và hồ tiêu, quan tâm mở rộng mô hình trồng xen đa cây trồng, ưu tiêu vào việc thâm canh cây cà phê theo tiêu chuẩn 4C để  đạt năng suất cao, nâng cao thu nhập.”

Chiến tranh đã lùi xa, những vùng căn cứ cách mạng năm xưa bị bom mìn cày xới, nay đã được thay màu áo mới, màu xanh của các loại cây trồng minh chứng cho sự phát triển,ấm no, trù phú. Những địa danh, tên đất, tên người ở Gia Lai đã đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nướcvẫn còn mãi khắc ghi,lưu truyền trong sử sách./.

Ngọc Ánh – Huy Toàn


Lượt xem: 8

Trả lời