Triển vọng từ mô hình nuôi gà Đông Tảo ở huyện Chư Pưh

Cập nhật 09/1/2018, 07:01:41

 Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, có giá trị kinh tế đang là chủ trương lớn của ngành nông nghiệp. Đây cũng là xu thế tất yếu trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay được nhiều nông dân lựa chọn. Tuy nhiên, chuyển đổi như thế nào? Lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng gì cho hiệu quả đang là điều được người nông dân cũng như các cấp, ngành quan tâm.

  Tại huyện Chư Pưh, hiện nay một số hộ dân đã lựa chọn nuôi gà Đông tảo để phát triển kinh tế, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, thu nhập của gia đình ông Đinh Công Chấn ở thôn Tung Chrêr, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh chủ yếu từ trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của loại cây trồng này, đầu năm 2016, ông đã quyết định đầu tư đầu tư khoảng 20 triệu đồng để đi học tập kinh nghiệm và mua giống gà Đông Tảo để nuôi theo lời giới thiệu của người quen. Sau gần 2 năm, ông đã xuất bán hàng trăm gà thương phẩm và gà giống, thu lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Chấn cho biết: “Tôi thấy nuôi gà Đông tảo rất có hiệu quả kinh tế. Hiện nay nhu cầu thị trường rất lớn, có nhiều nơi trong Sài Gòn đặt hàng với số lượng lớn nhưng mình gia đình tôi không đáp ứng được số lượng. Cứ nuôi đến đâu tiêu thụ đến đó”.

Theo ông Chấn, chăm giống gà Đông Tảo này tuy không tốn quá nhiều công sức nhưng phải thường xuyên chú ý các biểu hiện từ ăn đến ngủ để phát hiện và điều trị kịp thời dịch bệnh nhằm tránh lây lan, gây hao hụt đàn gà. Đồng thời phải đảm bảo ăn  3 bữa/ngày và thức ăn phải có nhiều chất xơ thì chất lượng thịt mới ngon. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi ở người quen, nhất là tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay, ông Chấn đã nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo. Đặc biệt, ông còn đầu tư máy ấp để chủ động nguồn gà giống cũng như cung cấp cho người dân trong vùng.

 “Sắp tới tôi cũng dự định mở rộng quy mô của gia đình, đồng thời tôi cũng khuyến khích, giúp đỡ người dân xung quanh tham gia nuôi để thành lập HTX qua đó thuận tiện hơn trong quá trình tiêu thụ” ông Chấn nói.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ dân địa phương và ở khu vực lân cận đã tìm đến học hỏi mô hình nuôi gà Đông Tảo của ông Chấn và áp dụng, bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập thêm đáng kể cho gia đình. Đây cũng là mô hình điểm được Hội Nông dân xã cũng như Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh lựa chọn để nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Hiện nay ngành NN đã bắt đầu nhân rộng mô hình gà đông tảo ở xã Ia Dreng trên một số địa bàn của xã Ia Hrú và Nhơn hòa. Chúng tôi trước mắt chưa có nguồn kinh phí nên sẽ tư vấn về kỹ thuật và giúp cho bà con nhân dân tiếp tục nhân rộng mô hình này. Hiển nhiên khi mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao chúng tôi sẽ đưa vào chương trình kế hoạch đầu tư bổ sung vào chương trình khuyến nông, sự nghiệp nông nghiệp của chúng tôi trong năm 2018”.

Đầu tư không quá nhiều vốn, kỹ thuật không quá phức tạp nhưng hiệu quả kinh tế cao là một trong những ưu điểm khiến mô hình nuôi gà Đông tảo có khả năng nhân rộng ở nhiều địa phương. Đặc biệt, hiện nay, nhu cầu thị trường đối với gà Đông Tảo khá lớn cũng tạo điều kiện mở ra nhiều triển vọng đối với vật nuôi này./.

Ngô Thanh- Hồng Uyên- Đặng Trà


Lượt xem: 50

Trả lời