Triển vọng từ dự án khoa học “Cá lăng nha đuôi đỏ” trên lòng hồ thủy điện Ia Ly

Cập nhật 08/6/2020, 08:06:42

Nhằm góp phần chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN giúp người dân chuyển đổi vật nuôi, khai thác mặt nước lòng hồ Thủy điện Ia Ly một cách hợp lý để phát triển kinh tế, từ nguồn vốn KHCN, từ tháng 9 năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình nuôi cá lăng nha trong lòng bè trên hồ thủy điện Ia Ly. Đến nay, tỷ lệ cá lăng sinh sống và sinh trưởng tốt, đang mở ra nhiều kỳ vọng mới về hướng phát triển thủy sản mới trên địa bàn.

Dự án được thực hiện tại khu vực lòng hồ Thủy điện Ia Ly, thuộc làng Yút, xã Ia Phí.  Dự án có quy mô 2.500 con cá lăng giống, 2 hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% con giống và 50% chi phí thức ăn công nghiệp, đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi cá. Để đạt hiệu quả cao, dự án đã chọn 2 hộ dân đã có thâm niên và kinh nghiệm đối với nghề nuôi cá là ông Vũ Văn Đông và Vũ Văn Ngọc. Từ khi bắt đầu nuôi đến nay, bè cá lăng sinh trưởng và phát triển tốt, chứng tỏ phù hợp với môi trường nước tại khu vực lòng hồ này.

Ông Vũ Văn Ngọc, Làng Yút, xã Ia Phí, huyện Chư Pah nói: Nói chung là có kỳ vọng rất tốt. Tôi nuôi đến bây giờ thấy cá sinh trưởng rất đẹp nên chúng tôi muốn mở rộng mô hình. Nguồn nước ở đây trong sạch, độ pH tốt. Cá lăng ưa nước lạnh nên tầm nước sâu ở đây rất tốt.

Cũng theo ông Vũ Văn Ngọc, kỹ thuật nuôi cá lăng nha đuôi đỏ không hề phức tạp và cũng không tốn nhiều công lao động. Chủ yếu là cho cá ăn 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối, thường xuyên theo dõi, quan sát để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu bị bệnh để xử lý. Trước khi thả cá cần tắm cho cá bằng dung dịch muối. Trong quá trình nuôi,  khoảng 15 đến 20 ngày thì phun khử trùng bè một lần bằng BKS. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ngoài nuôi cá lăng, ông Vũ Văn Ngọc cũng nuôi kết hợp nhiều loại cá khác như cá bống, cá trê, cá diêu hồng… nhằm xử lý thức ăn thừa của cá lăng cũng như hạn chế nhiều loại bệnh khác. Là người cùng tham gia nuôi cũng như để học hỏi kinh nghiệm, anh Vũ Văn Khoa rất tin tưởng vào sự thành công của mô hình nuôi cá lăng.

Anh Vũ Văn Khoa, Làng Yút, xã Ia Phí, huyện Chư Pah cho biết: “Nghề nuôi cá trên đây phát triển rất khả thi có thể phát triển mô hình. Từ khi con cá phát triển mạnh thì mình nuôi thêm để nó đạt hiệu quả cao hơn. Thời gian nuôi cá không tốn mấy, rất nhàn. Mình phải để ý cá, phát hiện cá chớm bệnh thì kịp tắm và cho ăn thuốc.

Được biết, thời gian nuôi cá lăng là 2 năm, trọng lượng đạt để thu hoạch từ khoảng 3 đến 4 ký một con. Sau hơn 5 tháng nuôi, cá lăng ở đây đã đạt cân nặng từ 6 đến 8 lạng/con. Từ kết quả thực tế, huyện Chư Pah đang có dự tính phát triển mô hình nuôi cá lăng trên địa bàn.

Ông Võ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Pah cho biết: “Hiện nay, cá phát triển bình thường, tỷ lệ sống đạt trên 80%, tỷ lệ tăng trọng gấp 10 lần so với ban đầu. Có thể thấy kết quả bước đầu rất tốt, người dân phấn khởi và tin tưởng vào dự án cá này. Thấy được kết quả đó vừa rồi Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng đã khảo sát trên địa bàn huyện có lòng hồ, diện tích mặt nước rất lớn nhưng chưa khai thác nên dự kiến sẽ triển khai thêm 4 hộ, mở rộng diện tích thủy sản trên địa bàn huyện”.

Trên thị trường hiện nay, cá lăng nha là mặt hàng cao cấp, có thịt trắng chắc, ít xương dăm, mùi vị thơm ngon. Hiện cá lăng nha thương phẩm có giá khoảng 150 nghìn đồng/kg, nhưng nguồn cung cấp trên thị trường luôn thiếu. Ở Gia Lai cá lăng nha chủ yếu do khai thác ngoài tự nhiên nhưng hiện nay nguồn lợi này đang bị suy giảm. Do đó, việc đưa vào chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lăng nha trong dân là việc làm hết sức cần thiết, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích mặt nước ở khu vực lòng hồ Thủy điện Ya Ly chưa được khai thác nhiều cũng đang mở ra nhiều cơ hội phát triển giống vật nuôi này cho người dân địa phương./.

Ngô Thanh, Huy Toàn


Lượt xem: 39

Trả lời