Triển vọng phát triển kinh tế từ cây ăn trái ở xã Yang Trung

Cập nhật 05/2/2018, 14:02:36

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mới là hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, chuyển đổi sang trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao vẫn đang là điều được người dân đặc biệt quan tâm. Riêng đối với xã Yang Trung, huyện Kông Chro, vài năm trở lại đây, với nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, các loại cây ăn trái đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lợ ở thôn 9 là một trong những người trồng cây ăn trái đầu tiên và có quy mô lớn ở trên địa bàn xã Yang Trung, huyện Kông Chro. Trước đó, ông đã thử và chuyển đổi qua nhiều loại cây trồng như mỳ, mía, tre… nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Cách đây 7 năm, sau khi phát hiện ra cây thanh long ruột đỏ trong một chương trình khuyến nông, ông đã tìm hiểu và mạnh dạn trồng thử nghiệm. Nhờ cần cù, ham học hỏi, đến nay, ông đã trở thành người trồng thanh long có tiếng tại địa phương với diện tích trên 1,8 hecta cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Một trong những bí quyết để ông Lợ tạo nên sản phẩm thanh long ruột đỏ chất lượng cao, được thị trường ưa chộng đó là nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay, ông Lợ còn trồng thêm nhiều loại cây ăn trái khác như na, quýt đường…

Ông Lợ nói: “Khi mà trồng thấy hiệu quả một năm được vài chục tấn, tính ra nhà nông như chúng tôi kiếm cả trăm triệu là được rồi. Riêng nhà tôi dùng phân hóa học ít, chủ yếu dùng phân chuồng, mình mua phân bò về ủ. Mình làm cái này được hơn vì khi mình thu dù cắt trái thì cây thanh long vẫn xanh tốt, còn dùng phân hóa học cắt trái thì cây mất xanh mất rồi”.

Không chỉ thanh long ruột đỏ, vài năm trở lại đây, cây nhãn lồng còn được biết đến là loại cây “làm giàu” cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yang Trung. Trong đó, gia đình anh Nguyễn Thành Trung ở thôn 9 là một trong những hộ tiên phong chuyển sang trồng nhãn lồng thay vì các loại cây nông sản ngắn ngày như trước đây. Với 700 gốc nhãn, mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 400 triệu đồng. Kết quả này có được là nhờ gia đình Trung đã mạnh dạn, chịu khó học hỏi cũng như biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài nhãn, gia đình anh còn trồng thêm nhiều loại cây ăn trái khác như na, dừa xiêm, chanh đào…

Anh Nguyễn Thành Trung, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Đầu ra thì không lo, thương lái mọi miền đều tìm đến. Mình không sợ rẻ hoặc không có người mua. Bản thân mình phải có sự quyết tâm, dám làm, thay đổi suy nghĩ của gia đình mình, của bà con. Kèm theo đó mình phải chịu khó tìm tòi học hỏi. Bây giờ kiến thức rất nhiều trên mạng, hoặc trực tiếp tìm đến các vườn theo hướng sinh học để học, bây giờ các sản phẩm theo hướng sinh học trên thị trường rất nhiều không phải là khó kiếm”.

Ông Đặng Thế Quyền, Chủ tịch UBND xã Yang Trung cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có 18 hecta cây ăn trái, chủ yếu là nhãn, na, thanh long ruột đỏ và một số loại cây khác như đinh lăng. Hiệu quả thì mang lại thu nhập rất cao. Đối với hộ người kinh, từ 250 -300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đối với các hộ Bahnar, họ thu nhập từ 100- 130 triệu đồng/năm. Xã đã chọn 1 số hộ làm điểm để nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã. Vào quý I xã sẽ thành lập HTX về dịch vụ NN để tìm đầu ra cho các vựa trái cây, giúp cho các hộ sản xuất tìm được đầu ra, tránh việc bị tư thương ép giá trên địa bàn”.

Thực tế cho thấy, trồng cây ăn trái đang mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng cho người dân xã Yang Trung. Tuy nhiên, để những loại cây trồng này được nhân rộng và trở thành cây “làm giàu” cho nhiều người dân hơn nữa thì rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc quy hoạch, định hướng phát triển cũng như phổ biến quy trình kỹ thuật theo hướng nông nghiệp sạch./.

Ngô Thanh,  Duy Linh


Lượt xem: 47

Trả lời