Triển vọng phát triển cây dược liệu đinh lăng tại Ia Pa

Cập nhật 17/9/2018, 10:09:50

Trồng cây dược liệu đinh lăng đang là hướng đi mới của huyện Ia Pa nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Sau thời gian được lựa chọn đưa vào trồng tại xã Pờ Tó, hiện cây đinh lăng đang phát triển tốt, hứa hẹn trong tương lai gần loại cây này sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cánh đồng đinh lăng rộng 5 ha này được triển khai trồng tại xã Pờ Tó từ tháng 7/2018. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến thực hiện với nguồn vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng. Đây là mô hình mới và là cây dược liệu đầu tiên được trồng tại địa phương nên công tác đầu tư chăm sóc hết sức được chú trọng.

Phạm Văn Hoàn- Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa nói: “Điều đáng lưu ý là khi còn nhỏ cây hay bị nấm nên phải thường xuyên bơm thuốc xử lý nấm, phòng chết cây con. Bơm thuốc từ 5-7 lần. Sau khi trồng 18 tháng có thể thu hoạch được thân cành. Còn đối với củ sau khi trồng 4-5 năm có thể thu hoạch, để càng lâu càng giá trị càng cao”.

Đinh lăng là loại cây dược liệu quý, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để đảm bảo cho việc trồng cây đinh lăng hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc của Trạm Khuyến nông, người dân còn chuẩn bị khá kỹ lưỡng các khâu làm đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Sau gần 2 tháng triển khai, qua đánh giá ban đầu, hiện hơn 200.000 gốc đinh lăng đang phát triển tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng.

Anh Lê Văn Đông- Thôn 4, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói: “Tôi thấy mô hình trồng đinh lăng này cũng phù hợp và phát triển mạnh. Có đầu ra cho người nông dân, bao tiêu hỗ trợ cũng rất phấn khởi”.

Pờ Tó là vùng đất có tiềm năng lớn phát triển trồng cây dược liệu. Vì vậy, để người dân yên tâm sản xuất, Trạm Khuyến nông cũng liên kết với công ty thu mua nhằm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các nông hộ tham gia dự án với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Từ việc thực hiện quy hoạch vùng và đẩy mạnh phát triển diện tích cây dược liệu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết công ăn việc làm, và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng khó khăn Pờ Tó

Bà Đoàn Thị Phú Hòa-  Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa cho biết: “Trạm đã có hợp đồng liên kết với công ty Ngọc Thạch Khôi ở Chư Pưh, là đơn vị cung ứng vào bao tiêu sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch với thân và cành là 25.000 đồng/kg. Đây là mô hình thí điểm, cũng mong muốn đến thời kỳ thu hoạch cùng với sự liên kết với doanh nghiệp thì sẽ có đầu ra ổn định và có loại cây trồng mang lại giá trị cao. Trong tương lai sẽ mở rộng mô hình này”.

Việc liên kết giữa “4 nhà” nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước trong phát triển vùng trồng cây dược liệu tại Ia Pa đang là hướng đi vững chắc nhằm đa dạng cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương. Theo ước tính, mô hình liên kết trồng cây dược liệu đinh lăng sẽ cho thu nhập ổn định và cao gấp 3-4 lần trồng mía, mì. Đây là tín hiệu vui tạo tiền đề cho nghề trồng cây dược liệu ngày càng phát triển, giúp người dân có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./.

Nhâm Dung, Minh Trung


Lượt xem: 179

Trả lời