Triển vọng mô hình nuôi lươn không bùn

Cập nhật 07/4/2023, 14:04:07

Ông Nguyễn Văn Châu ở phường An Bình, thị xã An Khê là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi lươn không bùn tại thị xã An Khê. Mô hình này không chỉ giúp người nuôi nhận biết sớm các dịch bệnh trên vật nuôi mà còn cho năng suất cao hơn so với nuôi lươn truyền thống. Cách làm mới này của ông Châu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và được nhiều hộ dân trên địa bàn đến học hỏi và triển khai.

Vài năm trước, khi mô hình nuôi lươn không bùn ở các tỉnh miền Tây nổi lên và được nhiều người biết đến, đúng lúc ông Nguyễn Văn Châu lại đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Ông đã quyết định tìm đến một cơ sở ở tỉnh Long An, xin học việc ở đó một năm để học hỏi kinh nghiệm. Chính vì tinh thần chịu khó đó, nên dù là người tiên phong triển khai mô hình trên địa bàn nhưng ông Châu đã rất dày dặn kinh nghiệm và sau 02 năm triển khai, mô hình nuôi lươn không bùn của ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và được nhiều người biết đến.

Ông Nguyễn Văn Châu – Phường An Bình, thị xã An Khê nói: “Qua thời gian học hỏi và làm cái nghề nuôi lươn không bùn này, tôi thấy hiệu quả kinh tế nó đem lại cao hơn so với các con vật nuôi khác. Kỹ thuật nuôi nó cũng đơn giản, không đòi hỏi gì cao, chỉ quan trọng nhất là nguồn nước nó sẽ quyết định con lươn nó có sống hay không thôi.”

Mô hình nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm, kỹ thuật nuôi không khó, có thể tận dụng nhân công nhàn rỗi của gia đình, không tốn diện tích, mỗi hồ nuôi tiêu chuẩn chỉ cần khoảng 6m2, nếu không có điều kiện vẫn có thể giảm diện tích, mỗi m2 có thể nuôi 4-500 con lươn; bể lươn có thiết kế ống cấp nước và thoát nước để dễ dàng thay nước mỗi ngày; thức ăn cho lươn đơn giản chỉ với cám có độ đạm 40% trở lên… Theo ông Châu, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo độ PH trong nước, do vậy gia đình ông chỉ dùng nước giếng khoan và có máy lọc để cân bằng độ PH, không dùng nước mưa và nước tự nhiên vì độ axit cao, không kiểm soát được. Cũng chính vì kiểm soát được môi trường nước, nên mô hình này giúp người nuôi nhận biết sớm các dịch bệnh trên vật nuôi và năng suất cao hơn so với nuôi lươn truyền thống.

Ông Nguyễn Kim Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình, thị xã An Khê cho biết: “Qua đánh giá thì thấy mô hình nuôi lươn không bùn này hiệu quả nên đã giới thiệu cho 11 xã, phường trên địa bàn đến tham quan và học hỏi cái mô hình này. Mô hình thì có nhiều thuận lợi để triển khai, nhưng cái khó khăn còn lại là đầu ra, nguồn tiêu thụ ở trên địa bàn thị xã An Khê cũng chưa nhiều.”

Gía lươn thương phẩm trên thị trường cũng khá cao, từ 120-150 ngàn đồng/ký, giá lươn giống ổn định từ 5-7 ngàn đồng/con. Tuy nhiên hiện tại chủ yếu gia đình ông Châu chỉ xuất bán lươn qua các khu vực lân cận. Do vậy, gia đình ông và Hội Nông dân phường An Bình đang kết hợp tìm kiếm thêm các địa điểm thu mua, nhằm tạo đầu ra ổn định trước khi nhân rộng mô hình cho hội viên nông dân trên địa bàn

Trương Trang – Phi Long


Lượt xem: 6

Trả lời