Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Cập nhật 02/6/2021, 14:06:43

Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại 03 xã của 03 huyện là Mang Yang, Đak Đoa và Chư Sê; trong đó kết quả xét nghiệm đàn bò tại huyện Mang Yang dương tính với bệnh Viêm da nổi cục. Với thời tiết nóng, ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho sự lây truyền của dịch bệnh; nguy cơ bùng phát, lây lan diện rộng của dịch bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh là hết sức cao.

Để kịp thời khống chế, dập tắt các ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò, không để lây lan diện rộng; hôm nay (02/6), UBND tỉnh có Công văn số 647 về việc triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:

  1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh theo Công điện số 631 ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Gia Lai được banh hành tại Quyết định số 188ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh. Trong đó:

– Đối với các địa phương có ổ dịch Viêm da nổi cục: Thực hiện công bố dịch, xác định cụ thể vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Yêu cầu UBND các xã thực hiện tốt việc kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông gia súc nhiễm bệnh; hạn chế người qua lại khu vực đang có dịch; xử lý nghiêm các vi phạm của chủ hộ, người kinh doanh gia súc không tuân thủ công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.Tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có dịch và các khu vực xung quanh, khu vực có nguy cơ cao. Chủ động bố trí kinh phí của địa phương để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; nhất là kinh phí mua vắc-xin để tiêm phòng khống chế, bao vây ổ dịch. Hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh với định mức, quy trình và điều kiện theo quy định. Hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch.

– Đối với các địa phương chưa có dịch:Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn nhận biết về bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động mua vắc-xin và tiêm phòng cho đàn trâu, bò.Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

  1. Sở NN&PTNT:Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chỉ đạo các Trạm kiểm dịch động vật phân công cán bộ trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý Thị trường kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển trâu, bò ra, vào tỉnh. Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất cấp kinh phí để triển khai phòng, chống dịch bệnh.Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục; vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò…
  2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục kịp thời, đúng quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.
  3. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục để nhân dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò nắm bắt và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
  4. Cục Quản lý Thị trường, Công an tỉnh: Phối hợp với lực lượng thú y, chính quyền các cấp kiểm tra các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò. Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
  5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình vận chuyển trâu, bò qua đường biên giới; tuyên truyền cho nhân dân vùng biên giới không tham gia, tiếp tay vận chuyển trâu, bò trái phép từ nước ngoài vào tỉnh Gia Lai.
  6. Báo Gia Lai, Đài PT-TH tỉnh: Tăng cường đưa tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục để người dân, hợp tác xã, doanh chăn nuôi trâu, bò chủ động giám sát và phòng, chống dịch bệnh./.

BT: Mỹ Tiến


Lượt xem: 12

Trả lời