Triển khai Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ Hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê

Cập nhật 11/11/2021, 18:11:16

Chiều nay (11/11), tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có buổi làm việc với một số sở, ngành, đơn vị, địa phương và hợp tác xã để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ Hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ Hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê là một trong bốn hợp phần của “Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 20230” nằm trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được Bộ NN & PTNT triển khai thực hiện. Dự án được triển khai tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó địa bàn Tây Nguyên có tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Riêng tỉnh Gia Lai, dự án triển khai tại 4 địa phương là: Đak Đoa, Đức Cơ, Chư Prông Chư Pah và có 6 hợp tác xã được chọn cùng tham gia, đây là những hợp tác xã đang thực hiện liên kết sản xuất với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu. Tại 4 địa bàn trên, dự án sẽ đầu tư nâng cấp và cải tạo gần 12km đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết nối vùng trồng nguyên liệu với khu sản xuất, chế biến và liên kết vùng. Ngoài ra sẽ đầu tư xây dựng 3 si lô vùng nguyên liệu để thu mua, bảo quản cà phê chất lượng cao với quy mô 1.300 tấn. Mục tiêu đầu tư của dự án là nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu nông lâm nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và cộng đồng trong vùng dự án. Theo đánh giá của Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngoài một số yếu tố thuận lợi là người dân, hợp tác xã đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, quan trọng nữa là tỉnh Gia Lai có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn, điển hình như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nên việc liên kết sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm sẽ rất thuận lợi, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê của tỉnh Gia Lai khi “Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 20230” được Bộ NN & PTNT hỗ trợ triển khai thực hiện.

Hồng Uyên; R’Piên


Lượt xem: 22

Trả lời