Trao đổi với ông Nguyễn Chớ – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku về vấn đề dạy bơi trong trường học

Cập nhật 11/6/2016, 09:06:04

Mới vào hè chưa lâu, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 25 trẻ tử vong do đuối nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của người lớn. Trong bối cảnh đó, lại rất thiếu những biện pháp hữu hiệu của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm giúp trẻ có thể ứng phó với hiểm họa sông nước. Làm sao để không còn những vụ chết đuối thương tâm, đáng tiếc có thể xảy ra với các em?  Và câu chuyện dạy bơi trong trường học tiếp tục là chủ đề được đặc biệt quan tâm hiện nay.

 Cùng bàn luận vấn đề này với PV Đài PT – Th Gia Lai là  ông Nguyễn Chớ – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi:  

 

PV: Thưa ông, trong thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm do đó việc phổ cập bơi cũng như trang bị những kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ vẫn luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh có con nhỏ. Và việc dạy bơi trong trường học phải được xem là một kỹ năng cần thiết. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Chớ: Giáo dục toàn diện là một yêu cầu đối với tất cả các bậc học. Trong thời gian vừa qua, chúng ta chủ yếu là dạy học sinh về kiến thức văn hóa, những phần về kỹ năng sống có chú trọng nhưng chưa được đầy đủ nhất là vùng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Do điều kiện miền núi, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đầy đủ. Đến nay tất cả các trường công lập ở Pleiku chưa có trường nào được trang bị bể bơi. Có một số giáo viên có kỹ năng dạy bơi, tuy nhiên những lý thuyết này chưa thể áp dụng thực hành. Ngành Giáo dục rất trăn trở nhưng chưa có hướng tháo gỡ.

  PV: Được biết, cách đây 5 năm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng có công văn chỉ đạo các Sở giáo dục và Đào tạo trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, công văn mới chỉ dừng lại ở việc triển khai mô hình thí điểm ở một số thành phố lớn. Vậy theo ông về phía địa phương đang gặp phải những khó khăn như thế nào?

Ông Nguyễn Chớ: Sau hội thảo năm 2009 tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành công văn chỉ đạo về dạy các kỹ năng sống trong đó có kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích nhất là đuối nước và xác định dạy bơi là một giải pháp để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với học sinh tiểu học nói riêng, học sinh phổ thông nói chung. Tuy nhiên tại thành phố Pleiku, Gia Lai mới dừng lại ở việc dạy thể dục, trong giờ thể dục vấn đề bơi được đề cấp đến lý thuyết và nhắc nhở học sinh, còn thực tế triển khai dạy bơi trong nhà trường ở Pleiku là chưa có. Cái khó hiện nay là thành phố đang đầu tư trường lớp, phòng thực hành, còn hồ bơi chưa có năng lực thực hiện bởi vì thiếu giáo viên dạy bơi cho các em.

 PV: Đề án dạy bơi cho học sinh trong trường học hiện chưa thể triển khai, tuy nhiên có nhiều cách để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh mà tôi thấy thời gian qua một số địa phương đã làm như xây dựng hồ bơi theo kiểu cụm trường, triển khai mô hình hồ bơi di động, xã hội hóa công tác dạy bơi…. Theo ông những cách làm như thế có thể áp dụng tại một số trường học trên địa bàn thành phố Pleiku không?

Ông Nguyễn Chớ: Hiện chưa thực hành được, còn xã hội hóa thì hiện nay  các hồ bơi tư nhân chủ yếu là phụ huynh đưa học sinh đến học bơi theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh còn lại trường chưa triển khai được. Trong hè thì có một số anh em giáo viên có kỹ năng dạy bơi, đã được cấp chứng chỉ dạy bơi nhưng việc triển khai còn nhiều vướng mắc một số nội dung về mặc thủ tục.

  PV: Theo thống kê từ các vụ đuối nước có những trường hợp là do người lớn, bố mẹ chủ quan, lơ là. Chẳng hạn như tại những khu vực mà người dân đào hố tưới để càphê mà không có rào chắn hay biển cảnh báo cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ đuối nước. Vậy thì việc khuyến cáo cho học sinh và phụ huynh cẩn trọng với ao hồ sông suối trong dịp nghỉ hè được Phòng Giáo dục thành phố quan tâm như thế nào?

Ông Nguyễn Chớ: Trong một số vụ học sinh bị chết do đuối nước có vụ các cháu rớt xuống nước do người lớn đào hố để lấy nước tưới cà phê. Những hố này đã và đang được sử dụng, thậm chí không còn sử dụng nhưng người lớn không làm rào chắn hay cảnh báo. Hiện nay trong thời gian nghỉ hè, chúng tôi rất mong muốn ban chỉ đạo hoạt động hè thành phố  tăng cường việc tổ chức các hoạt động để thu hút các cháu được vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống trong đó có kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Rất mong hệ thống chính trị, chính quyền địa phương cũng như cha mẹ tăng cường giám sát. Chúng ta cần quan tâm đến trẻ em nhiều hơn nữa.

 Hy vọng với những khuyến cáo của ông thì trong dịp hè này chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến thêm những trường hợp đuối nước thương tâm. Một lần nữa xin được cảm ơn ông./.

 

Vân Anh – Kim Châu -Duy Linh – Đặng Trà


Lượt xem: 310

Trả lời