Trao cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ  dân tộc thiểu số

Cập nhật 19/9/2017, 14:09:40

Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có những việc làm cụ thể thiết thực nhằm tạo điều kiện cho các hội viên khó khăn, đặc biệt là hội viên dân tộc thiểu số làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều mô hình được triển khai để giúp đỡ chị em về giống cây trồng, vật nuôi, khoa học kỹ thuật nhằm tạo động lực cho chị em vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống gia đình.

Từ nguồn vốn hỗ trợ 30 triệu đồng, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (LHPN) đã trao 10 con dê sinh sản cho 10 chị em  dân tộc thiểu số tại làng Kuk Đak xã An Thành, huyện Đak Pơ. Qua khảo sát thực tế, dê là con vật dễ nuôi và khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như đáp ứng với mong muốn của chị em nên Hội LHPN huyện Đak Pơ đã đề xuất với Hội LHPN tỉnh xây dựng ngân hàng vật nuôi dê cho hội viên. Cùng với đó, Hội còn chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng bệnh để dê phát triển, sinh sản và chăn nuôi mang lại hiệu quả.

Chị Đinh Thị A Ngep, làng Kuk Đak xã An Thành, huyện Đak Pơ cho biết:  “Cảm ơn các phụ nữ đã tặng cho dê. Tôi hứa chăm sóc cho dê để sinh sản xóa đói giảm nghèo.”

Còn với mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh và chi hội phụ nữ người dân tộc thiểu số do Hội LHPN tỉnh Gia Lai phát động cũng được nhiều cơ sở hội thực hiện. Mô hình được hoạt động theo phương thức: Trong phạm vi xã, phường có một hoặc nhiều chi hội người Kinh sẽ cùng kết nghĩa với một chi hội làng đồng bào DTTS nhằm huy động sự chung tay, vào cuộc của nhiều đơn vị để giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo vượt khó. Tham gia mô hình các chi hội hỗ trợ phụ nữ nghèo ổn định đời sống, làm kinh tế để thoát nghèo, chia sẻ cho nhau những kiến thức, kĩ năng trong tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình, động viên những gia đình hội viên có điều kiện giúp đỡ các gia đình còn khó khăn về vốn, giống cây trồng, vật nuôi để tạo nguồn thu nhập thường xuyên hàng năm.

Chị Kpă H’Dup làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ:  “Trước đây nhà mình khó khăn lắm, cơm không có đủ ăn đâu, mình cũng không biết làm gì cho có cơm gạo ăn nữa. Nhờ có phụ nữ Phố Hiến qua giúp, bày cho cách làm, cho mượn giống, vốn nên gia đình mình đã biết làm mì, làm lúa nước. Giờ thì hơn ngày xưa nhiều rồi. ”

            Nhờ có sự quan tâm, thường xuyên giúp đỡ thông qua các mô hình, chị em đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong cuộc sống, đồng thời, phát huy tinh thần tương thân tương ái giữa các hội viên. Từ đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thúy Diện, Cao Duy


Lượt xem: 105

Trả lời