Tổng kết thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Cập nhật 05/4/2022, 17:04:56

Thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian tới cần phải thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích và phải gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Gia Lai tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh tổ chức sáng nay.

 

Đánh giá một cách tổng quan, sau 05 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ nguồn kinh phí hơn 1.271 tỷ đồng được huy động để thực hiện chương trình (chưa tính kinh phí do doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đóng góp), nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai và đạt nhiều kết quả; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh từ 19,71% vào đầu năm 2015 xuống còn 3,96% vào cuối năm 2021; bình quân trong giai đoạn 2016-2021, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3,15%. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 128/182 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2018 đến nay không còn hộ nghèo người có công theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, đặc biệt là giảm nghèo trong đồng bào DTTS; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 12/4/2017 về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh là 11,14% (đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết 05 đề ra là dưới 15,2%). Tuy nhiên nhìn từ thực tế, công tác giảm nghèo bền vững của Gia Lai vẫn còn những khó khăn, hạn chế khi tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn cao với hơn 80% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; hộ nghèo giảm nhưng hộ cận nghèo vẫn còn tiệm cận, hộ tái nghèo còn cao và hiện toàn tỉnh vẫn còn 07 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%.

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế còn đặt ra cho công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh; Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, những cách làm mới, những mô hình hay cũng như những nhiệm vụ, giải pháp cho công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian tới và thống nhất một số chỉ tiêu nhiệm vụ cho công tác giảm nghèo 2021-2025. Trong đó phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian tới cần phải thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích và phải gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Các địa phương, các ngành cần rà soát, bổ sung số liệu về giảm nghèo để làm rõ, phân tích các chiều thiếu hụt theo từng tiêu chí, làm rõ nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo của 07 xã còn trên 20%. Quá trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cần lồng ghép với các Chương trình MTQG khác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng đề xuất HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQVN tỉnh tăng cường giám sát trong thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương, các ngành và có phản hồi cho UBND tỉnh cũng như BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh để điều chỉnh kịp thời những bất cập trong thực hiện chương trình./.

 Mỹ Tiến, Duy Linh


Lượt xem: 22

Trả lời