Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc

Cập nhật 14/12/2021, 17:12:45

Sáng nay, (14/12), tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác Đối ngoại triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mục tiêu, quan điểm về quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Tham dự Hội nghị còn có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí: Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Tham dựà chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của Dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao của nước ta, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Từ thế bị bao vây, cấm vận, nước ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia là thành viên Liên hợp quốc; thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam là đối tác thương mại của 220 quốc gia và được 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường; đồng thời, tham gia và có quan hệ tốt đẹp với các tổ chức, như: WTO, WB, IMF, APEC… Từ đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; hiện Việt Nam là thành viên của 70 tổ chức, diễn đàn đa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Điểm cầu tỉnh Gia Lai

Dẫn chứng về hình ảnh cây tre Việt Nam, mềm mại, nhưng rất kiên cường như tính cách của con người, dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm về quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc. Qua đây, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu thời gian tới cần triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam; thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực. Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh – quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả. Ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực./.

 Đức Hải;  Huy Toàn


Lượt xem: 12

Trả lời