Tình trạng sạt lở bờ sông, suối tại một số điểm trên địa bàn huyện Ia Pa diễn ra nghiêm trọng

Cập nhật 16/4/2024, 10:04:18

Do tình hình biến đổi khí hậu, cấu tạo địa chất, địa hình và dòng chảy các sông, suối qua địa bàn huyện Ia Pa diễn biến phức tạp, nhất là trong mùa mưa lũ nên tình trạng sạt, lở bờ sông, suối tại địa phương này xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Tình hình kéo dài trong nhiều năm, trong khi đó chưa có các giải pháp thực sự căn cơ để khắc phục nên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, đời sống, tài sản của người dân và các công trình hạ tầng của Nhà nước.

Khu vực thôn Quý Đức, xã Ia Trok, huyện Ia Pa nằm phía trước đoạn sông Ayun hợp lưu với sông Ba. Vào mỗi khi mưa lũ, trên đoạn sông này các vùng nước xoáy lớn, chảy xiết, gây sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Tính riêng từ năm 2009 đến nay, bờ sông khu vực này đã bị sạt lở, lấn sâu vào khu dân cư khoảng 200 m, tổng diện tích đất sản xuất và đất ở bị sạt lở khoảng 10 ha, sạt lở với tốc độ 0,5ha/năm.

Không chỉ đe dọa đến đất ở, đất sản xuất, gây thiệt hại về tài sản của người dân, tình trạng sạt lở còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình chùa chiền và các công trình hạ tầng như: đường dây điện, đường giao thông. Người dân sinh sống quanh khu vực này luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo sợ, nhất là vào mỗi mùa mưa lũ.

Anh Nguyễn Xuân Hòa – Thôn Quý Đức, xã Ia Trok, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Sạt lở ở đây tầm 2 chục năm rồi, mùa mưa lũ nước về thì gây lở đất, suốt ngày, suốt đêm luôn. Ảnh hưởng đến người dân, người ta di chuyển đến nơi khác đâu dám ở đây nữa. Đất ở đây tầm mấy chục ha.”

Cùng chung tình cảnh này, 8 hộ dân với 33 khẩu sinh sống tại thôn Đăk Trá, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa cũng đang bất lực nhìn đất ở, đất sản xuất và tài sản trên đất của mình bị mất dần qua từng năm do sạt lở bờ sông. Mặc dù, các hộ dân này đã được UBND tỉnh đưa vào Quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011- 2025 và định hướng đến năm 2020, nhưng đến nay các hộ vẫn chưa được bố trí vốn để dời đến nơi khác sinh sống nên vẫn phải bám trụ trên diện tích đất ở đang ngày càng bị sạt lở sâu hơn với nỗi lo sợ đến mất ngủ mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Anh Huỳnh Văn Công – Thôn Đak Trá, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Từ năm 2009 đến giờ nó bắt đầu bị lở, mỗi năm lở một ít, giờ gần tới nhà rồi. Lở nhiều, gần đến nhà rất lo lắng. Trông cho Nhà nước làm cái bờ kè cho dân đỡ lo. Hàng năm nước lớn nó vô thì lo lắng, đêm nằm không dám ngủ.”

Theo báo cáo của huyện Ia Pa, trên địa bàn huyện đang có 19 điểm sạt, lở bờ sông, suối với tổng chiều dài sạt lở khoảng 16,1 km, hàng năm sạt lở khoảng 23 nghìn 600 m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở của người dân. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực thôn Quý Đức, xã Ia Trok; khu vực cầu Ia Kdăm, xã Ia Mrơn và khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2. Nhiều năm qua, người dân tại khu vực này đã liên tục kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt, lở. Về phía huyện Ia Pa cũng đã có nhiều lần đề xuất với tỉnh, với Trung ương quan tâm để sớm có giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng trên

Ông Huỳnh Văn Trường – Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai nói: “Huyện Ia Pa trước đây có đưa ra giải pháp trồng cây để giữ đất nhưng không hiệu quả vì dòng nước chảy lớn. Nhiều dân đã có nhiều lần kiến nghị làm kè để phòng chống sạt lở, nhưng cần đến nguồn vốn rất lớn nên huyện không có khả năng. Huyện đã có nhiều năm kiến nghị, đề xuất lên Trung ương sớm triển khai làm kè để bảo vệ đất ở, đất sản xuất của người dân.”

Cùng với đó, UBND huyện Ia Pa cũng đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt, lở bờ sông, suối tại 3 khu vực: Trạm bơm điện Chư Răng 2; thôn Quý Đức, xã Ia Trok và cầu Ia Kdăm, xã Ia Mrơn thuộc huyện Ia Pa. Sở NN & PTNT cùng các sở, ngành liên quan cũng đã có đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cùng Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp thị sát tại các điểm này để kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế để có cơ sở quyết định ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở tại các khu vực được đề xuất.

Đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Qua nghe báo cáo của huyện Ia Pa cùng các sở, ngành và kiểm tra, khảo sát thực tế tại hiện trường cho thấy: Tại các khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, thôn Quý Đức và khu vực cầu Ia Kdăm của huyện Ia Pa tình hình sạt, lở vào các mùa mưa, lũ hằng năm là rất nghiêm trọng. Tại vị trí thường xuyên sạt lở này có các khu dân cư, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng; sạt, lở đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân; nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và Nhân dân.”

Trước đó, vào cuối năm 2023 Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, trong đó tỉnh Gia Lai được hỗ trợ 150 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Gia Lai sử dụng để hỗ trợ đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, suối tại 3 khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Ia Pa. Đây là tin mừng rất lớn đối với người dân và chính quyền địa phương. Việc triển khai sớm dự án xây dựng kè chống sạt lở sẽ góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn, ổn định chỗ ở, sinh hoạt và đất sản xuất của người dân và bảo vệ công trình, tài sản của Nhà nước.

Ngọc Hà – R.Piên


Lượt xem: 7

Trả lời