Tình trạng cho thuê đất trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư Đăng Ya.

Cập nhật 04/9/2013, 15:09:44

Thời gian gần đây tình trạng những nông dân nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh đã cho thuê đất – phương tiện sản xuất thiết yếu nhằm để “cải thiện cuộc sống”. Tuy nhiên cuộc sống của họ vẫn chẳng khá hơn, nhiều hộ lại phải làm thuê ngay trên chính diện tích đất của mình.

 

Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng cho thuê đất tại xã Chư Đăng Ya, chúng tôi cùng chính quyền địa phương đã đến gia đình ông Dưch, làng Agri, một trong những hộ nghèo đã cho thuê đất. Trao đổi với chúng tôi vợ chồng ông Dưch không thừa nhận đã cho thuê đất. Nhưng qua khai thác của phóng viên ông Dưch đành đưa ra ba giấy viết tay cho thuê đất rẫy với nội dung cho thuê khác nhau. Thời hạn gia đình ông cho thuê đất là 3 đến 4 năm, tổng cộng trong 3 lần gia đình ông cho thuê đất là 10 năm, bắt đầu từ năm 2010 cho đến đầu năm 2021. Diện tích cho thuê ít nhất là 3 sào, nhiều nhất là 6 sào, trị giá 1 sào đất cho thuê là 500 ngàn đồng/1 năm. Giờ đất đã cho thuê, gia đình ông Dưch rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, tiền thì tiêu hết, không có công ăn việc làm, lại phải làm thuê ngay trên chính diện tích đất của gia đình mình. Trò chuyện với chúng tôi ông Dưch cho biết: “Nhà mình nghèo khổ nhất, vậy là mình cho thuê đất để mình mua gạo mình ăn cũng không đủ nữa. Mình phải làm mướn cho người ta nữa, đào củ chuối mình cũng đào cho nó, nhổ mì mình cũng nhổ cho nó, một công của mình một ngày là 120 ngàn. Nếu không có người thuê đó mình không có việc làm luôn”.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự như gia đình ông Dưch, gia đình ông A Séo, làng Agri, xã Chư Đăng Ya cũng là hộ đã cho thuê đất sản xuất. Do cuộc sống khó khăn, đông con, lại không có phương tiện đi lại, A Séo đã cho thuê 1 ha đất của gia đình trong thời hạn 8 năm, từ năm 2007 đến năm 2015 để lấy 400 ngàn đồng và 1 chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại cho gia đình. Việc cho thuê đất 2 bên tự thoả thuận, tự viết giấy tay và không thông qua chính quyền địa phương.

Trao đổi với chúng tôi ông A Séo, làng Agri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh nói: “Gia đình mình khổ quá, đất đai thì cho người ta thuê, con cái thì đông, trên núi thì toàn đất đá không làm rrẫy được”.

Xã Chư Đăng Ya hiện có 44 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang cho thuê trên 50 ha đất sản xuất. Trong đó tập trung nhiều nhất ở làng Agri, có khoảng trên 30 hộ dân. Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết, phần lớn bà con trong làng đều thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, cuộc sống quá khó khăn nên vì cái lợi trước mắt bà con trong làng đã cho thuê đất. Sau khi cho thuê đất, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có nhà mới, có xe máy, ti-vi nhưng cuộc sống lại lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều người phải đi làm thuê ngay chính trên diện tích đất mà trước đó không lâu đã được Chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng. Từ những báo động phát sinh trong thực tế, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quyết tâm hạn chế tình trạng nói trên nhằm giữ đất sản xuất cho bà con. Đặc biệt thực hiện các giải pháp chế tài, nghiêm cấm tình trạng cho thuê đất. Thế nhưng, trên thực tế tình trạng này vẫn đang tiếp tục diễn ra…

Ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh cho biết: “Tình hình các hộ dân trên địa bàn xã cho thuê mướn đất dài hạn, thời gian có người cho thuê từ 3 đến 4 năm, thậm chí là 7 đến 8 năm. Chính quyền địa phương chúng tôi đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng cho thuê mướn đất trên địa bàn. Tuy nhiên có một vấn đề khó ở chỗ các hộ dân cho thuê đất chủ yếu là các hộ nghèo và không có vốn để sản xuất, từ đó họ buộc phải cho các hộ khác thuê đất canh tác”.

Những năm qua huyện Chư Păh đã đặc biệt quan tâm giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm trang bị phương tiện sản xuất thiết yếu và tạo điều kiện cho họ cải thiện đời sống. Thế nhưng không ít bà con nơi đây không tự lao động sản xuất, làm ra của cải trên chính mảnh đất của mình mà đã cho thuê đất – phương tiện sản xuất thiết yếu, để rồi nhiều gia đình lại phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình vì thế cuộc sống của họ cứ mãi quẩn quanh với đói – nghèo. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có những giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, giúp dân ổn định sản xuất./.

Ctv: Ngọc Lan – Văn Cảnh


Lượt xem: 73

Trả lời