Tín dụng đen bủa vây vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Thiện

Cập nhật 06/8/2018, 16:08:45

Tín dụng đen đang bủa vây các buôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai và để lại những hệ lụy nghiệt ngã. Thậm chí, có những người giờ phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình và phải gán nợ tài sản cho những khoản tiền lãi mẹ đẻ lãi con. Có người phải bỏ nhà, trốn sang đi xa, bởi số tiền vay giờ lên tới hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng để giải bài toán đẩy lùi tín dụng đen đang tồn tại như một vấn nạn tại các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số Phú Thiện quả thực hết sức nan giải.

Những điểm cho vay tín dụng đen tại huyện Phú Thiện được núp bóng là các tiệm bán thuốc tây, quầy bán phân bón, tạp hóa…. Theo thống kê từ Công an huyện Phú Thiện, tại địa phương có hơn 100 điểm cho vay tín dụng đen với lãi suất từ 2 đến 5%/ tháng và có đến 87% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia vay dưới hình thức này.

Trung tá Đỗ Xuân Hưng – Phó Trưởng Công an huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Vay nặng lãi phải vượt 16% so với mức vay mà ngân hàng quy định, nhưng mà vay tín dụng đen thì dưới mức đó nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn nên chỉ xử lý chỉ bằng vấn đề dân sự”.

Thiếu tiền là đi vay, đó là tâm lý chung của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Thiện mà không hề lường hết mọi cạm bẫy phía trước. Trong khi đó, các chủ nợ sẵn sàng móc hầu bao, cầm đằng chuôi trong tất cả các trường hợp, chỉ cần một chữ ký hoặc dấu vân tay của người dân.

Chị Ksor H’Lol, ban đầu chỉ vay 800 nghìn đồng để mua vật tư phân bón, gạo…, dần dần sau nhiều năm, cả nợ gốc và lãi lên tới 240 triệu đồng. Không có tiền để trả khoản vay, chị đã phải gán mảnh đất rẫy 1,6ha cho chủ vay với giá 80 triệu đồng. Số tiền 160 triệu đồng còn lại, chủ nợ yêu cầu chị làm không công trên chính mảnh đất từng là tài sản của gia đình chị trong vòng 7 năm để trả nợ.

Chị Ksor H’Lol – làng Gung A, xã Ia Ake, Phú Thiện, Gia Lai nói: “Bây giờ mình làm vất vả lắm, tới mùa vụ thu thì chủ nó mang xe đến tận nơi để chở về hết là mình chỉ về tay trắng”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự , không thể trả được khoản vay lên tới hàng trăm triệu đồng, anh Siu Sự và vợ Kpah Plian đành nói dối 3 người con đi khám bệnh và sau đó bỏ  làng trốn đi rất xa. Kpah H’kem, đứa con gái đầu giờ phải một mình chăm sóc cho 2 em và luôn lo sợ sẽ bị chủ nợ xiết tài sản bất cứ khi nào.

Em Kpah H’kem cho biết: “Bọn con rất lo lắng cho bố mẹ, vì con nghe nói bố mẹ ở xa rất khổ, giờ con mong bố mẹ về. Bố mẹ không về thì bọn con không biết làm sao, không thể trả được nợ cho người ta thì sợ người ta xiết hết nhà, nương rẫy của nhà mình”.

Để từng bước đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, nhiệm vụ cấp bách hiện nay đó là cả hệ thống chính trị tại Phú Thiện nói riêng, Gia Lai nói chung phải cùng vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế và có cơ chế giám sát nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Trung tá Đỗ Xuân Hưng – Phó Trưởng Công an huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Trong thời gian tới thì Công an huyện Phú Thiện tiếp tục nắm tình hình về tín dụng đen trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mà tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền có hướng giải quyết. Đồng thời chúng tôi đấu tranh với các đối tượng đòi nợ thuê, hoạt động siết nợ. Đồng thời chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để thức tỉnh cho người dân”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 509 đầu mối cho vay theo hình thức tín dụng đen với hơn 9.290 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Và khi các cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, các đối tượng dễ dàng lách luật để cho vay không được kiểm soát chặt chẽ thì vấn nạn này sẽ tiếp tục đeo đẳng và để lại những hệ lụy khôn lường./.

 Đoàn Bình – R’Piên

 


Lượt xem: 160

Trả lời