Tiếp thêm động lực cho Tây Nguyên phát triển

Cập nhật 17/7/2017, 08:07:53

Là địa bàn có vị trí chiến lược của cả nước, Tây Nguyên đang đổi thay và khởi sắc mạnh mẽ. Kinh tế- xã hội liên tục phát triển, quốc phòng an ninh giữ vững ổn định. Thành tựu chung đó có đóng góp không nhỏ của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong việc chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các tỉnh trong khu vực thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai các chủ trương, cơ chế, chính sách để các tỉnh Tây Nguyên có thêm nguồn lực đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, vốn đầu tư toàn xã hội trong khu vực liên tục tăng cao, riêng trong giai đoạn 2011- 2015 đạt 267.632 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với giai đoạn 2001- 2005. Cũng như các tỉnh khác, các dự án, chương trình của Trung ương đầu tư cho Gia Lai có quy mô lớn như: Đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng 2 đại công trình thủy lợi Ia Mlá và Ia Mơr. Đặc biệt trên lĩnh vực giao thông, Trung ương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình qua địa bàn tỉnh như các quốc lộ: 14, 19, 14C, đường Trường Sơn Đông, nâng cấp sân bay Pleiku… đã góp phần liên kết vùng, kết nối phát triển giữa Gia Lai với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và với các tỉnh trong Khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia.

Ông Hồ Phước Thành- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết: “ Các dự án và chương trình do Trung ương đầu tư có tác dụng và có sức lan tỏa rất lớn, phù hợp với nhu cầu thực tế, đã giúp Gia Lai khắc phục khó khăn, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững”.

Bên cạnh đó, với sự tham mưu và đề xuất của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trung ương đã triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nguyên tháo gỡ khó khăn, từng bước phát triển, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, tỉnh Gia Lai đã được Trung ương đầu tư hơn 902 tỷ đồng thuộc Chương trình 135, lồng ghép với nguồn vốn từ các dự án, chương trình khác như hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giống cây trồng, vật nuôi cho người dân phát triển sản xuất và tiếp cận với các chính sách trên các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục- đào tạo, lao động, việc làm để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Ông Rơ Chăm Puih, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah- Gia Lai nói: “Đời sống của nhân dân trong xã trước đây rất khó khăn, đường sá đi lại cách trở, chưa có trạm y tế,  nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, giờ xã có điện, đường, trường, trạm khang trang, cuộc sống của người dân ổn định”.

Sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương đã góp phần tạo đòn bẩy cho các tỉnh Tây Nguyên đánh thức tiềm năng, thế mạnh nên tốc độ tăng trưởng GRDP luôn đạt ở mức cao, riêng trong giai đoạn 2010- 2015 bình quân chung đạt 7,19%, GRDP bình quân đầu người trong năm 2015 đạt 1.658 USD, bằng 80,8% mức bình quân chung cả nước. Đến năm 2016, toàn vùng có 1 huyện và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi năm giảm gần 3% hộ nghèo. Đặc biệt, đối với các huyện nghèo như huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã được Trung ương đầu tư thông qua các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì càng có thêm nguồn lực và điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Văn Trung- Chủ tịch UBND huyện Kông Chro- Gia Lai khẳng định: “Kông Chro là huyện nghèo thuộc vùng sâu vùng xa. Được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và của tỉnh nên huyện có sự khởi sắc mạnh mẽ. Đến nay, 100% xã có đường giao thông kiên cố đến khu trung tâm, có trạm y tế, hệ thống trường học được xây dựng cơ bản khang trang, tỉ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm”.

Bên cạnh công tác chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã tích cực chỉ đạo và hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt công tác đối ngoại, phân giới cắm mốc; kịp thời giải quyết những vấn đề  liên quan đến dân tộc, tôn giáo; triển khai các biện pháp đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ biên giới, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, tạo tiền đề vững chắc cho kinh tế- xã hội trong vùng ngày càng phát triển./.

Hà Đức,  R’Piên


Lượt xem: 41

Trả lời