Tiếng loa đuổi tà ma

Cập nhật 17/10/2017, 08:10:57

Gần hai năm nay, người dân tại các làng vùng sâu, vùng xa huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã quen thuộc với âm thanh phát ra từ chiếc loa cầm tay do cảnh sát giao thông và công an xã đi xe máy chạy khắp các thôn làng để thông báo tình hình TNGT, nhắc nhở người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đây là hình thức đã có ở nhiều địa phương khác trong cả nước nhưng lại mới mẻ và vô cùng đặc biệt với đồng bào nơi đây. Từ ngày có tiếng loa, nhiều già làng rất phấn khởi và cho đó là “tiếng loa đuổi tà ma” ra khỏi những cái đầu mê muội của lũ trai làng lười lao động và nát rượu, thức tỉnh đưa chúng trở về với dân làng.

“Trước đây mình thường hay uống rượu và uống rượu vào rồi thì hay chạy xe, hay chở 3 chở 4, từ đó thì cũng bị tai nạn nhiều lần. Có những người bạn của tôi thì bị què chân, cụt tay vì tai nạn giao thông. Từ hồi đấy thì mình chưa nhận thức được vấn đề về an toàn giao thông, uống rượu say thì hay chạy xe. Qua một thời gian thì được các anh bên Công an CSGT huyện cũng đi tuyên truyền rất là nhiều, đi trong làng bằng loa, từ đó bản thân tôi và một số anh em trong làng đã nhận thức được”. Anh Đinh Ly Ơn ở làng Ya Ma, xã Đăk Kơ Ninh, huyện Kông Chro cho biết như vậy. Trước đây anh có tiếng càn quấy và thường xuyên gây rối trật tự an toàn giao thông tại địa phương. Nhưng giờ đây, sau khi được “tiếng loa đuổi tà ma” ra khỏi đầu, anh đã dần thay đổi bản thân, trở thành tuyên truyền viên an toàn giao thông tích cực của làng.

Để có sự thay đổi ngoạn mục này, từ năm 2016 đến nay, tuổi trẻ Công an huyện Kông Chro đã có sáng kiến triển khai mô hình “tiếng loa an toàn giao thông” xuống  tất cả các thôn, làng trên địa bàn huyện.

Đại úy Đinh Văn Chôn – Đội CSGT Công an huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Khi xuống các thôn làng thì bản thân tôi tuyên truyền bằng tiếng Bana, tiếng dân tộc thiểu số thì bà con nhận thức được, hiểu được vi phạm. Ví dụ như chở 3 chở 4, uống rượu say, không có bằng lái rồi đi không đúng phần đường thì tôi cũng cố gắng tuyên truyền thì họ đã nhận thức được. Một số thanh niên thì đã nhận thức rõ được về việc vi phạm rồi họ cũng rút kinh nghiệm, từ đó giảm bớt đi tai nạn giao thông”.

Hình thức tuyên truyền lưu động như thế này tuy chỉ mới được phát huy rộng rãi trong thời gian gần đây, nhưng do phương tiện gọn nhẹ và có tính cơ động cao, có thể di chuyển đến mọi ngõ ngách để tuyên truyền đã tác động trực tiếp và khiến nhiều người chú ý, mang lại hiệu quả cao.

Già làng Tây Thị Thu Hà – Làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro, Kông Chro, Gia Lai cũng cho biết: “Từ hồi Công an huyện đem loa tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ đấy thì hiệu quả rất là tốt. Nói chung dân làng rồi đến thanh niên không có tai nạn, mũ bảo hiểm thì cũng chấp hành, rồi trộm cắp, đi đường cũng rất là tốt. Dân làng rất là mừng”.

Theo Công an huyện, thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4, say xỉn chạy nhanh, chạy ẩu diễn ra khá phổ biến. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay đã có 17 vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, làm 21 người tử vong và hàng chục người bị thương.

Từ ngày mô hình “Tiếng loa an toàn giao thông” ra đời, Công an huyện đã phân công cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với công an xã tăng cường công tác tuyên truyền ATGT ở những tuyến đường trọng điểm, liên thôn, liên xã… nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Với chiếc loa di động, các anh đã cùng nhau đi đến các điểm tập trung đông người, như: khu vực nhà rông văn hóa, các điểm chợ, các hàng quán hay len lỏi qua những con đường làng nhỏ hẹp, thậm chí vào cả những gia đình đang có tiệc vui để đảm bảo mọi người dân đều nghe thấy. Cứ thế, xe máy đi đến đâu, chiếc loa cũng theo đó phát ra những thông tin cảnh báo, thông điệp tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về ATGT, các quy định của luật, tình hình TNGT hiện tại… để mọi người xung quanh nghe rõ và thông hiểu, từ đó chấp hành đúng để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

     Ông Nguyễn Hữu Quế – GĐ Sở GTVT – Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai       đánh giá: Qua theo dõi thì tôi thấy thì tôi thấy mô hình tiếng loa an toàn giao thông của Công an huyện Kông Chro đã phát huy hiệu quả, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn huyện. Chúng tôi trong thời gian đến sẽ nhân rộng mô hình này phổ biến ra các địa bàn khác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, từ đó kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.

“Tiếng loa đuổi tà ma” hay là tiếng loa an toàn giao thông tại Kông Chro nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung giờ đây đang ngày càng lan tỏa, để hướng mọi người đến với một cuộc sống an lành mà ở đó không còn những nỗi đau về tai nạn giao thông, giúp những ai đó còn u mê mau chóng thức tỉnh chung tay xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc./.

Đoàn Bình – Quốc Anh- Thanh Sáng


Lượt xem: 50

Trả lời