Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn khảo sát Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố

Cập nhật 24/12/2020, 18:12:58

Chiều ngày 24/12, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố do đồng chí Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn. Dự buổi làm việc với đoàn có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Đỗ Tiến Đông –Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể.

Mục tiêu của Đoàn là khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng tổ chức và phương thức họat động của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thô, tổ dân phố tại một số tỉnh, thành trên cả nước để xây dựng đề án thực hiện mô hình tự quản báo cáo Trung ương. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 7.500 mô hình tự quản về kinh tế, an ninh trật tự, môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhìn chung hoạt động của các mô hình tự quản ở địa bàn dân cư, nhất là các mô hình về an ninh trật tự đã phát huy hiệu quả; nhiều mô hình có cách làm hay, sáng tạo, thể hiện được vai trò tự quản, phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên thực tế cho thấy các mô hình được xây dựng nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, một số mô hình tự quản ở khu dân cư còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; một số mô hình thiếu tính bền vững khó duy trì.     Trao đổi với đoàn tại buổi làm việc, đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng từ thực tiễn hoạt động có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu. Từ tình hình thực tế của tỉnh, trong thời gian qua các mô hình tự quản trên các lĩnh vực của đời sống xã hội khá phong phú, nhưng để thực sự là 1 mô hình tự quản xuất phát từ thực tế cuộc sống đảm bảo tiêu chí tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực chưa được nhiều. Đa số các mô hình xây dựng theo hướng dẫn của ngành dọc với nhiều hình thức khác nhau,do các tổ chức chính trị xã hội, công an, quân sự và một số ngành đứng ra thành lập, hỗ trợ hoạt động. Nếu không có sự hỗ trợ, chỉ đạo của các hội đoàn thể, các sở, ban, ngành rất khó để duy trì hoạt động của các mô hình tự quản.

Qua buổi làm việc với tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ quan điểm chung thống nhất tổ chức mô hình tự quản phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, xây dựng tiêu chí đảm bảo theo quy định pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, hoạt động của các mô hình này chính là phát huy tính đoàn kết, tính gắn kết cộng đồng dân cư trên một mô hình tự quản, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị. Vấn đề cần quan tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền và vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc; thường xuyên rà soát, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hiệu quả./.

Kim Châu, R’Piên


Lượt xem: 25

Trả lời