Thông qua các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp đã góp phần ổn định vùng nguyên liệu mì ở khu vực phía Nam

Cập nhật 11/9/2018, 09:09:13

 Thông qua các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, đến nay Gia Lai đã thu hút được nhiều dự án chế biến các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh. Hiện tại một số dự án đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Phóng sự sau đây sẽ ghi nhận sự thành công của nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Ia Pa, Krông Pa đã và đang góp phần ổn định vùng nguyên liệu, nâng giá trị kinh tế của cây mì hơn so với những năm trước đây:

Sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 Nhà máy tinh bột sắn thuộc Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Đường Vạn Phát đặt tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa đã và đang góp phần nâng cao giá trị kinh tế cây mì trên vùng đất này. Với công suất 250 tấn tinh bột/ngày, trung bình mỗi ngày cần 1.000 tấn củ mì tươi, nên việc Nhà máy tinh bột sắn của Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Đường Vạn Phát đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết ổn định đầu ra cho cây mì trên địa bàn huyện Krông Pa, đồng thời tạo ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Từ đó góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội nơi doanh nghiệp đầu tư các dự án sẽ ngày càng phát triển khi tiềm năng, thế mạnh được khai thác có hiệu quả.

Bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Cty TNHH chế biến NLS Đường Vạn Phát cho biết: “Chúng tôi chọn đầu tư ở đây là vùng nguyên liệu, đây vùng đất rộng mênh mông của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là tiềm năng về phát triển vùng nguyên liệu. Nếu thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư và quy trình công nghệ đầu tư thì sẽ mang lại quyền lợi rất lớn cho người dân, nhất là người ĐBDTTS ở địa phương. Ví dụ khi trồng cây mì, cây mía, nếu trồng đúng theo quy trình và chăm bón tốt thì năng suất có thể đạt trên 100 tấn/ha”.

Thông qua chính sách thu hút đầu tư, năm 2015 đã có một dự án xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn được đầu tư xây dựng tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Dự án này được Công ty Cổ phần thực phẩm Việt Nam đầu tư với tổng vốn gần 300 tỷ đồng, sản xuất theo dây truyền hoàn toàn tự động từ đầu vào cho đến khi thành phẩm. Đây được đánh giá là nhà máy có công nghệ sản xuất hiện đại nhất hiện nay của Việt Nam về chế biến tinh bột sắn. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 đã góp phần giải quyết ổn định đầu ra cho cây mì không chỉ địa bàn huyện Ia Pa mà cả các huyện lân cận như: Kông Chro, Phú Thiện, Ayun Pa.

Ông Huỳnh Văn Trung – TGĐ Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Nam cũng nói: “Khi đầu tư nhà máy ở đây thì vùng nguyên liệu rất thuận lợi,Ia Pa là huyện có diện tích mì lớn nhất, còn lại các huyện lân cận như: Kông Chro, Phú Thiện, Ayun Pa…tất cả nguồn nguyên liệu này đủ để nhà máy hoạt động gấp 3 lần như thế này. Dự kiến nhà máy cũng đã xây dựng sẵn để nâng công suất vào năm 2018 là khả năng lên được 200 tấn/ngày, như vậy nâng gấp đôi công suất hiện nay”.

Những năm trước đây, cây mì mặc dù được xem là cây trồng chủ lực nhưng do đầu ra không ổn định, việc tiêu thụ phải thông qua nhiều khâu trung gian nên tình trạng nông dân bị ép giá là khó tránh khỏi. Vì vậy việc các nhà máy tinh bột sắn đi vào hoạt động đã và đang góp phần ổn định vùng nguyên liệu cũng như nâng cao giá trị kinh tế của cây mì.

Không riêng gì cây mì, với trên 1,4 triệu hecta đất nông nghiệp, trong đó có gần 100 ngàn ha cà phê, 100 ngàn ha cao su, 18 ngàn ha hồ tiêu, trên 17 ngàn ha điều, 38.500 ha mía, 51.600 ha ngô, 4.100 ha thuốc lá, hơn 1 ngàn ha chè… không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào trong khi dư địa nông nghiệp còn khá lớn, vì vậy cơ hội thành công khi đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp vào Gia Lai là rất lớn.

Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 191

Trả lời