Thoát nghèo từ trồng mía liên kết

Cập nhật 27/10/2023, 06:10:56

Nếu như trước đây nông dân xã H’Bông, huyện Chư Sê còn lúng túng trong lựa chọn cây trồng, vật nuôi; sản xuất nông nghiệp theo hướng manh mún, nhỏ lẻ thì nay đã khác. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng mía theo phương thức liên kết với doanh nghiệp, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm nghèo bền vững và có cuộc sống khá giả. Anh Nay Vang ở thôn Ia Sa, xã H’Bông là một trong những điển hình.

Giữa bạt ngàn những cánh đồng mía phủ xanh dải đất phía đầu đèo Chư Sê, 8 ha mía của gia đình Nay Vang đang trong thời kỳ xanh tốt. Những lóng mía đủ nước, to, dài bằng cả gang tay hứa hẹn một mùa “mía ngọt”. Đó là thành quả của sự chăm chỉ, chịu khó trong từng khâu chăm sóc cây mía của vợ chồng anh – từng là hộ nghèo nhiều năm.

Anh Nay Vang – Thôn Ia Sa, xã H’Bông, huyện Chư Sê nói: “Trồng mía cũng dễ dàng lắm. Cây mía cũng phù hợp với vùng đất này nên mình chỉ việc chăm sóc theo đúng quy trình do nhà máy hướng dẫn, phổ biến là được. Đến mùa thu hoạch có công nhân nhà máy đến thu mua, rất thuận lợi.”

Sau nhiều năm vất vả với các loại cây trồng truyền thống, các loại cây ngắn ngày hiệu quả thấp, 3 năm gần đây, gia đình anh Nay Vang đã yên tâm gắn bó với cây mía. Trồng mía có lợi hơn các loại cây trồng khác bởi phù hợp với điều kiện đất đai vùng đất H’Bông, dễ thích nghi với trình độ sản xuất của nông dân. Mía có khả năng tái sinh mạnh, nếu chăm sóc tốt một lần xuống giống có thể thu liên tiếp 5 năm, tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư. Đặc biệt, nhờ chính sách liên kết với công ty mía đường, gia đình anh cùng những nông dân tại đây được hỗ trợ giống và kĩ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm sản xuất. Vụ mía năm trước, với giá thu mua hơn 1000 đồng/ kg, gia đình anh thu về gần 400 triệu đồng. Nhờ trồng mía, năm 2022 anh cũng đã xây dựng được nhà mới, cho các con ăn học, trưởng thành.

Anh Nay Vang – Thôn Ia Sa, xã H’Bông, huyện Chư Sê bày tỏ: “Mình cũng nhờ nguồn vốn vay của Nhà nước, được tham gia tập huấn kĩ thuật canh tác cây mía nữa, dần dần thì mới có được như ngày hôm nay. Cũng phải chịu khó chăm sóc, bón phân đúng thời vụ để cây trồng sinh trưởng tốt.”

Ông Bùi Đức Miền – Chủ tịch Hội Nông dân xã H’Bông, huyện Chư Sê cho biết: “Anh Nay Vang là một trong những nông dân người Jrai rất chịu khó lao động sản xuất. Từ hộ nghèo bây giờ đã vươn lên khá giả. Xã chúng tôi cũng có tổ hội nông dân trồng mía và anh Vang nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ những hộ khác trồng mía hiệu quả để xóa đói giảm nghèo.”

Nhóm hộ đồng bào Jrai thôn Ia Sa hôm nay không còn nghèo khó như trước, nhờ học tập và làm theo mô hình sản xuất của những người như Nay Vang. Với nếp nghĩ cách làm mới, đồng bào nơi đây đã nhận ra rằng, để có những thành quả, người nông dân phải thi đua lao động sản xuất.

Minh Lý – Minh Trung


Lượt xem: 11

Trả lời