Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Cập nhật 10/2/2017, 14:02:10

Trong những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết và biến đổi khí hậu, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kbang đã cải thiện kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tiêu biểu trong phong trào này là, gia đình bà Lê Thị Dung, ở tổ dân phố 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang- cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi.

Cách đây khoảng 5 năm, khu đất rộng trên 1 ha của gia đình bà Lê Thị Dung, ở tổ dân phố 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang chuyên trồng bắp lai, bí đỏ. Do nằm ở vị trí thấp, thường bị ngập úng khi trời mưa, nên khi cây ra trái đều bị thối, mất mùa. Trăn trở về điều này, bà tìm cách để chuyển đổi cây trồng. Vào năm 2014, được bạn bè, anh em giới thiệu, bà quyết định đưa 30 cây giống ổi pha lê, ổi bo từ quê nhà Hải Dương vào trồng thử. Lúc đầu bà cũng rất lo lắng về năng suất cây trồng này. Nhưng may mắn thay, chất đất ở đây lại phù hợp để các loại cây này phát triển. Sau 4 đến 5 tháng trồng, những cây ổi pha lê, ổi bo bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ linh hoạt trong lựa chọn giống cũng như chăm sóc có kỹ thuật, ổi pha lê, ổi bo của gia đình bà đều sai quả, chất lượng tốt, được mọi người ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 25 đến 30 ngàn đồng một ki lô gam, đã tạo động lực cho gia đình bà tiếp tục mở rộng diện tích. Sau 3 năm, gia đình bà đã có trên 150 cây.

Bà  Dung cho biết: “Chăm bón không vất vả gì, mình đào bồn rộng ra một tí, cho lân vào, nắng hạn quá thì mình tưới một, hai lần gì đó. Ổi thì không sâu bệnh gì nhưng khi có quả thì mình phải bọc để tránh con ruồi chích, mình phải bọc bì bóng khi nào hái thì bỏ bì ra, nói chung trồng cây này năng suất lắm”.

 Ngoài trồng ổi pha lê và ổi bo, bà Dung cũng đã trồng thêm mít thái, cam, quýt, vải thiều… Tận dụng nguồn đất đai hiện có, gia đình bà còn trồng su hào, cà rốt và rau các loại. Cùng với các loại cây trên, bà đã mua giống và trồng 50 gốc hoa đào để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhờ đa dạng hoác các loại cây trồng mà hàng năm gia đình bà Dung có thu nhập trên 80 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

          Từ kết quả của mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình bà Dung, sắp tới Hội Phụ nữ thị trấn Kbang sẽ tổ chức cho chị em ở các chi hội đi tham quan học hỏi, để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Minh Phong, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Kbang cho biết: “Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các Chi hội trên địa bàn, đặc biệt là các chị em ở các làng đến học hỏi mô hình của chị Dung, mục đích là nhân rộng, góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến chị em, nhất là chị em nghèo có điều kiện về đất đai để học hỏi đưa mô hình vào sản xuất. Trên cơ sở các mô hình sẽ tăng thêm thu nhập cho chị em, để mỗi độ xuân về chị em được ấm cúng hơn, có thu nhập cao hơn để đón một mùa xuân mới hạnh phúc, an lành”.

Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, người mẹ, bà Dung còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào thi đua ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo./.

    Thúy Điểm

 


Lượt xem: 62

Trả lời