Thiếu cấp dưỡng ở các trường nội trú

Cập nhật 11/10/2016, 08:10:12

Dù chưa có quy định nào về việc một cấp dưỡng sẽ phụ trách bao nhiêu học sinh bán trú, nội trú, nhưng nếu nhìn vào các trường học này trên địa bàn tỉnh, việc thiếu cấp dưỡng là điều dễ dàng nhận ra nhất, và vấn đề này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được Sở GD&DT giải quyết..

Vấn đề này đang cần có những giải pháp kịp thời và thích hợp, sau đây là phóng sự phản ánh thực tế tại một số trường DTNT ở thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa.

11-10-capduong

Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã Ayun Pa hiện có 146 học sinh đang theo học nội trú. Với số lượng học sinh này, nhà trường chỉ được xét bố trí 2 cấp dưỡng theo hợp đồng 68. Tuy nhiên, vì khối lượng công việc nhiều do học sinh ăn 3 bữa/ ngày, nên 2 cấp dưỡng này không thể cáng đáng hết công việc tại bếp ăn. Trước tình hình đó, nhiều năm nay, nhà trường phải tự hợp đồng thêm 2 nhân viên cấp dưỡng nữa để có thể phục vụ tốt hơn cho bữa ăn của các em học sinh tại đây.

Thầy Rơ Cơm Tưng, Phó hiệu trưởng Trường THCS DTNT Tx. Ayun Pa, Gia Lai cho biết:  “Việc hợp đồng thêm cấp dưỡng bên cạnh việc phục vụ tốt hơn cho bữa ăn của học sinh thì nhà trường lại có thêm một gánh nặng khác là phải tự chi trả lương cho những nhân viên cấp dưỡng này. Nguồn lương thì chúng tôi cân đối trong các khoản thu của nhà trường để trả cho họ…”

Tương tự như trường THCS Dân tộc nội trú thị xã Ayun Pa, trường THCS Dân tộc nội trú Krông Pa dù có đến 150 học sinh theo học nội trú nhưng nhà trường chỉ có 1 cấp dưỡng theo hợp đồng 68. Để giải quyết việc thiếu cấp dưỡng, trường này cũng phải hợp đồng thêm 02 nhân viên cấp dưỡng khác. Tiền lương cũng được trích từ việc cân đối các khoản thu của nhà trường.

Thầy Ksor Djơn, Hiệu trưởng Trường THCS DTNT Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Việc cân đối các khoản thu của nhà trường để trả lương cho cấp dưỡng mà chúng tôi hợp đồng thêm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động khác của nhà trường, vì nguồn kinh phí có hạn nên chúng tôi không thể đồng thời trả lương cho cấp dưỡng và tổ chức các hoạt động khác được. Nhưng chúng tôi không thể làm khác được vì nhu cầu bữa ăn của các em học sinh…”

Có thể thấy, khi hợp đồng thêm nhân viên cấp dưỡng, bữa ăn của học sinh nội trú ở các trường học này dù chưa thực sự được đầy đủ nhưng sạch sẽ hơn. Vấn đề vệ sinh các bếp ăn cũng được thực hiện chu đáo và ngăn nắp hơn.

Chị Trần Thị Thoa, Nhân viên cấp dưỡng Trường THCS DTNT Tx. Ayun Pa nói:  “Trước đây nhiều khi 2 nhân viên cấp dưỡng chúng tôi không thể làm hết những công việc này được, từ khi có thêm 2 chị khác thì chúng tôi làm việc tốt hơn, hiệu quả công việc cũng được nâng cao hơn, vệ sinh ở nơi nấu nướng hay nơi ăn của các em cũng sạch hơn nhiều rồi…”

Tình hình thiếu cấp dưỡng không chỉ tác động đến chất lượng bữa ăn của các em học sinh nội trú, mà đang tiếp tục là gánh nặng cho ngân sách nhiều trường DTNT. Trên thực tế, với vật giá khá đắt đỏ hiện nay, mức hỗ trợ hiện tại đã là quá ít so với thực tế. Nếu cắt giảm thêm để chi tiền cho cấp dưỡng, bữa ăn của học sinh nội trú càng không đảm bảo chất lượng. Đây cũng đang là trăn trở chung của các trường DTNT trên địa bàn tỉnh hiện nay./.

Quốc Linh, Minh Vũ


Lượt xem: 570

Trả lời