Thị xã An Khê tự hào, phát huy giá trị các di tích

Cập nhật 10/2/2021, 10:02:35

Thị xã An Khê là địa phương có bề dày lịch sử lâu đời, lưu dấu các di tích khảo cổ học sơ kỳ đá cũ và di tích Tây Sơn Thượng đạo. Tự hào về di tích, những năm qua, công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử trên địa bàn luôn được quan tâm và ngày càng phát huy.

An Khê là cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, với quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo gồm 06 cụm và 18 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia vào năm 1991 và còn nhiều di tích có giá trị khác gắn với phong trào Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn nhưng chưa được khảo sát, xếp hạng; An Khê cũng là nơi định cư sớm nhất của người Việt trên vùng đất Tây Nguyên với nhiều thiết chế tín ngưỡng của người Việt, như: Đình, Miếu, Vạn có lịch sử hàng trăm năm và nhiều thiết chế được triều đình nhà Nguyễn (từ thời Vua Tự Đức đến Vua Bảo Đại) ban sắc phong. Cùng nhiều công trình tôn giáo như:  nhà thờ, tu viện, thánh thất, chùa, tịnh xá có kiến trúc độc đáo (có ngôi chùa cổ An Bình đã trên 200 năm tuổi) …và nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp, tuổi đời từ 100 – trên 200 năm.

Đặc biệt, từ 2014 – 2018 các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam đã khai quật, phát hiện các di chỉ sơ kỳ Đá Cũ ở Rộc Tưng, xã Xuân An và Gò Đá, phường An Bình, thị xã An Khê. Qua nhiều lần hội thảo quốc tế, các nhà khoa học xác định: Các di chỉ Sơ kỳ đá cũ An Khê có niên đại hơn 80 vạn đến 1 triệu năm cách ngày nay, mà chủ nhân của nó là Người vượn đứng thẳng. Các nhà khoa học đã kết luận: An Khê là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Di tích khảo cổ Rộc Tưng và Gò Đá đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2018 và mới đây được Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch nâng hạng là  di tích cấp quốc gia. Miền đất với nhiều di sản văn hoá là niềm tự hào của người dân An Khê.

Ông Đặng Hữu Thành- xã Xuân An- Thị xã An Khê cho biết:  “Là một người dân trên địa bàn xã Xuân An có một di tích rất quý hiếm được các nhà khoa học đến khai quật, bản thân tôi cũng như nhân dân ở địa phương rất là trân trọng, thấy rằng giá trị của nó rất lớn, tôi cũng rằng trong thời gian sắp đến đề nghị cấp trên cũng như những người làm công tác quảng bá để cho người dân trên đất nước được đến thăm quan, tìm hiểu giá trị của nó, tôi mong muốn trong tương lai sẽ nâng lên thành một khu du lịch”.

Anh Đinh Văn Dũng- làng Hoà Bình- Thị xã An Khê cho biết: Rất là phấn khởi, rất là vui khi tham gia lễ hội cầu huê, bên cạnh đó, bản thân hiểu biết nhiều hơn về vua Quang Trung, Tây Sơn thượng đạo, bản thân rất là tự hào trên mảnh đất quê hương của mình, bản thân hiểu biết về đoàn kết các dân tộc với nhau”.

Trải qua dòng thời gian, tự hào và kế thừa giá trị lịch sử tổ tiên, cha ông để lại, ngày nay, trên con đường phát triển, thị xã An Khê luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử của địa phương.

Trong các năm 2018 đến 2020, thị xã An Khê đã đầu tư khoảng 8,7 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, nâng tầm khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu di tích khảo cổ Rộc Tưng và Gò Đá…

Cùng với đó, thị xã An Khê có hệ thống lễ hội phong phú mang bản sắc riêng của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo như: Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Lễ cúng Khai Sơn, Lễ cúng Quý Xuân, Lễ cúng Quý Thu, Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung, đặc biệt là lễ Hội cầu huê của người Việt vùng An Khê được tổ chức hàng năm thu hút hàng vạn lượt người đến dự hội.

Ông Dương Thanh Hà- Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin & Thể thao thị xã An Khê cho biết:“Đối với các văn hóa vật thể cụm Tây Sơn Thượng đạo thì đã nâng cấp, xây dựng tường rào trên 6 tỷ và sắp tới xây dựng các thiết chế khác gồm 7 hạng mục cỡ 27 tỷ, hiện giờ đã được tỉnh phê duyệt và Bộ Văn hóa đồng ý. Đã phối hợp tổ chức 2 hội thảo, mà là hội thảo quốc tế về sơ kỳ đá cũ và các nhà khoa học đã nhận định An Khê là một trong những các nôi của loài người. Khoảng 35 thiết chế tín ngưỡng Đình, Miếu thì năm 2018, ngành cũng đã tham mưu thị xã làm xong hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh đối với 3 di tích. Đang còn làm hỗ sơ xếp hạng di tích Tây Sơn Nhị-  Cửu An, những dấu ấn của thời Tây Sơn- Nguyễn Huệ ở Cửu An rất đông đặc”.

Tin tưởng rằng, những giá trị lịch sử – văn hóa trên địa bàn thị xã An Khê sẽ được phát huy tạo thành điểm đến du lịch ý nghĩa, đặc sắc, hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với An Khê nói riêng và của tỉnh nói chung./.

CTV  Phương Thanh – Thế Huynh (Thị xã An Khê)


Lượt xem: 43

Trả lời